Hà Nội: Đặc biệt quan tâm các hộ dân di dời phục vụ giải phóng mặt bằng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại lễ công bố và bàn giao Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức vào sáng 1/2.

Ông Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, thuộc địa giới hành chính xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. Phía Bắc và phía Tây giáp Vườn quốc gia Ba Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình; phía Nam giáp đồi núi và khu dân cư. Tổng diện tích nghĩa trang 120 ha gồm: Khu nghĩa trang quốc gia diện tích 72,28 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan diện tích 47,72ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ; diện tích khuôn viên ngôi mộ 25 - 35m2/khuôn viên cùng các chỉ tiêu cụ thể các hạng mục khác. Đồng thời tại khu vực cảnh quan nghĩa trang có sức chứa 5.000 người.
  Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại lễ công bố và bàn giao Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung 
Cũng theo ông Hồ Chí Quang, nghĩa trang được xây dựng trong khu vực cảnh quan tự nhiên, được bao bọc bởi hệ thống đồi núi cây xanh kết hợp mặt nước. Các khu mộ được bố trí theo địa hình, hạn chế san lấp, hướng về trục chính trung tâm. Tổ chức không gian các khu vực chức năng trong nghĩa trang khai thác tối ưu hệ thống cây xanh, mặt nước hiện hữu để tạo cảnh quan sinh thái cho toàn khu. Tuyến đường cảnh quan kết nối từ đường cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình vào trung tâm khu nghĩa trang (khu vực nghi lễ). Hệ thống đường giao thông trong khu nghĩa trang tổ chức liên thông, bám theo địa hình tự nhiên, thuận tiện tiếp cận tới các khu mộ và phù hợp với quy trình an táng. Khu đón tiếp và nhà làm việc, gồm: Cổng vào, nhà đón tiếp, nhà làm việc, bảo vệ, kho công cụ được bố trí tại vị trí cổng chính của nghĩa trang, tổ hợp thành cụm công trình (cao từ 1-2 tầng) đan xen với sân vườn và chỗ để xe..

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định cần thiết phải xây dựng một nghĩa trang mới để tổ chức và phục vụ cho các hoạt động tang lễ cấp quốc gia. Hà Nội là Trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, đây cũng là nơi sống và làm việc của các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Khi mất đi, các đồng chí được tổ chức tang lễ tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) và được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, Nghĩa trang Mai Dịch được khai thác từ năm 1982 với diện tích 5,9 ha, đến nay đã hết diện tích sử dụng.

Do vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng Nghĩa trang mới. Quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 627/TTg-KTN, ngày 7/5/2013 thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng về vị trí xây dựng Nghĩa trang mới tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất. và có Quyết định số 546/QĐ-TT ngày 17/4/2014 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung.

“Đến nay, hồ sơ Đồ án quy hoạch chi tiết đã hoàn thành các thủ tục, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư theo đúng quy định của Luật. Với trách nhiệm và tình cảm của mình, UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong các công tác tiếp theo để nhanh chóng hoàn thành dự án quan trọng này. Sau khi nhận bàn giao quy hoạch, Sở QH&KT và TN&MT phối hợp với các cơ quan của Bộ Xây dựng, UBND huyện Thạch Thất, UBND xã Yên Trung triển khai cắm mốc giới quản lý. Đồng thời, công bố rộng rãi cho người dân biết về phương án, lộ trình giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, quan tâm đến người dân thuộc diện di dời phục vụ giải phóng mặt bằng, cũng như điều kiện sống tại khu tái định cư. Bên cạnh đó đảm bảo chuyển đổi nghề cho những hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

 Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng. Trong đó giai đoạn 1 xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, khu nghỉ lễ, khu tưởng niệm và khu vực an táng phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng. Các khu vực còn lại được đầu tư khi có nhu cầu. Dự kiến nguồn vốn được đầu tư là 1.430 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước. Dự án cũng xác định khu tái định cư rộng 9,38ha đáp ứng chỗ ở cho 105 hộ dân thuộc diện di dời phục vụ giải phóng mặt bằng.