Hà Nội đầu tư gần 19.000 tỷ đồng cho giáo dục trong năm học 2017 - 2018

Chi Lê - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quỹ ngân sách lớn dành cho giáo dục, năm học 2017 - 2018, giáo dục tại Hà Nội đạt được những thành tựu đáng kể.

Tham luận tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD&ĐT, ngày 2/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, năm học vừa qua, Hà Nội dành gần 19 nghìn tỷ đồng cho ngành giáo dục. Trong đó chi đầu tư 19%, chi thường xuyên khoảng 32%; xây dựng 66 trường mới, 2.622 trường học được cải tạo. Đến nay đã có 78% nhà vệ sinh trường học đạt yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị.
Hà Nội cũng tiếp tục rà soát quỹ đất, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Hiện nay, toàn TP có 62% trường chuẩn Quốc gia và 16 trường chất lượng cao, hiện đang thẩm định thêm 9 trường. TP cũng xem xét giảm chi ngân sách cho các trường chất lượng cao để tiến tới lộ trình tự chủ theo tinh thần Nghị định 16 của Chính phủ.

TP cũng chủ động thực hiện và nâng cấp bộ giáo trình về nếp sống văn minh, thanh lịch; thí điểm đưa giáo dục an toàn giao thông vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10, năm nay phổ biến toàn diện trên địa bàn TP. Qua đó nhằm giúp học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ nắm chắc luật giao thông và tham gia giao thông an toàn.

Phó Chủ tịch cho biết, năm học 2018 - 2019, TP tiếp tục thực hiện đào tạo song bằng tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chu Văn An và 6 điểm trường THCS mới. Sau khi học xong chương trình này, học sinh sẽ có thêm một tấm bằng quốc tế, có thể đi du học tại nước ngoài.

Mặc dù TP rất quan tâm tới các công trình nhà vệ sinh trong trường học, thuê đội ngũ vệ sinh riêng cho công trình phụ tại các trường, nhưng theo Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý, vẫn cần sự tự giác từ giáo viên đến học sinh để giữ gìn vệ sinh chung bởi nếu chỉ đầu tư mà thiếu quản lý sẽ làm giảm hiệu quả của công trình.

Một vấn đề khác mà Hà Nội đang phải đối mặt đó là việc thiếu đất trong nội đô để phát triển trường học. Vì điều này mà tỷ lệ học sinh được học trong trường công lập tại Hà Nội ở nội đô thấp hơn so với tỷ lệ chung. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội được nâng tầng trường học ở khu vực nội đô.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cũng đưa ra 3 kiến nghị tới Bộ GD&ĐT. Đó là, mong muốn Bộ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 86 về mức, khung học phí dành cho các trường ngoài công lập và trường tự chủ. Bộ có hướng dẫn chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục từ công lập ra ngoài công lập; việc tự chủ trong đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo công lập.