Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đánh thức tiềm năng logistics

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn TP đến năm 2025”. Với Đề án và Kế hoạch hành động cụ thể kèm theo, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước dần hiện thực hóa mục tiêu tạo dựng hệ thống dịch vụ logistics hiện đại và phát triển.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành dịch vụ logistics sẽ đóng góp từ 9 - 11% tỷ trọng GRDP; tốc độ tăng trưởng từ 17 - 21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt từ 60 - 65%; chí phí logistics giảm xuống tương đương 14 - 17% GRDP của TP. Đưa vào hoạt động 2 Trung tâm logistics; 2 cảng cạn ICD; 1 cảng thủy conteiner quốc tế; 5 Trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.
 Cảng nội địa (ICD) Mỹ Đình. Ảnh: Trần Tuấn

Tiềm năng chưa khai thác

Giữ vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ với giá trị tổng sản phẩm, lên đến 599.178 tỷ đồng, chiếm 13% GDP của cả nước (tính đến năm 2016). Hiện Hà Nội đã có 9 khu công nghiệp, thu hút được trên 600 dự án đầu tư, đi vào hoạt động, trong đó quá nửa là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngoài ra còn có 43 cụm công nghiệp đã được lấp đầy, 46 cụm công nghiệp đang xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên song hành với sự phát triển về kinh tế lại là một hệ thống cung ứng dịch vụ logistics, được các chuyên gia nhìn nhận, là khá “còi cọc và sơ khai”. Theo thống kê của Cục Quản lý kinh doanh, Bộ KH&ĐT, Hà Nội hiện có khoảng 25.000 DN đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực logistics; nhưng thực tế chỉ có hơn 5.400 DN hoạt động chính thức, 80% trong số đó là DN tư nhân.
Đa phần DN logistics tại Hà Nội đều nhỏ bé, hạn chế về vốn, nhân lực và công nghệ, cá biệt có những DN chỉ có từ 5 - 10 nhân viên. Hơn nữa, đa phần DN logistics hiện nay chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh đơn giản như: Làm thủ tục hải quan; cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi... mà thiếu hẳn những loại hình có thể cung cấp giá trị gia tăng cho chính DN.

Một thực tế khác cũng rất đáng suy ngẫm là mặc dù giữ vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tầu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước nhưng Hà Nội lại chưa hình thành trung tâm logistics. Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành còn chỉ rõ, hệ thống dịch vụ logistics của Hà Nội không chỉ manh mún mà còn thiếu liên kết, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tại của TP.

Cụ thể hóa mục tiêu và giải pháp

Nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với nền kinh tế và sự phát triển bền vững trong tương lai, TP Hà Nội đã đề ra những mục tiêu, giải pháp rất cụ thể nhằm định hình lại cả hệ thống.
Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025” đã tập trung nghiên cứu và đưa ra một số nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là xây dựng chính sách quản lý, phát triển logistics. Trong đó có tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian kê khai hải quan, thuế; đề ra nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động logistics; tích hợp các trung tâm logistics vào Quy hoạch chung của TP...

Thứ hai là hoàn thiện hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng lưu thông, kết nối giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không. Hiện tại Hà Nội đã có 5 dự án trung tâm logistics được phê duyệt chủ trương đầu tư, 8 dự án đang giới thiệu địa điểm để nhà đầu tư nghiên cứu lập đề xuất.
Trong đó có những dự án mang nhiều kỳ vọng như: Trung tâm logistics hạng I, quy mô 50ha tại huyện Sóc Sơn; Trung tâm logistics hạng II, quy mô 22ha tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên; Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao cho ngành dịch vụ logistics.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung vào nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ logistics với sự hình thành các chuỗi cung ứng, phân phối nông sản, thực phẩm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hệ thống sản xuất, kinh doanh nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đặt mục tiêu, trong ngắn hạn phải từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics và các ngành sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như trên cả nước.