Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm từ biển

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm từ biển giúp người dân Thủ đô được tiếp cận với nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và bảo đảm an toàn.

Hải sản tại hệ thống cửa hàng Thế giới hải sản. Ảnh: Phương Nga
Nhiều kênh phân phối uy tín
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP có 26 trung tâm thương mại, 145 siêu thị, 455 chợ, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi, 65 chuỗi kinh doanh nông sản, thực phẩm… Đây là những kênh phân phối, tiêu thụ các sản phẩm từ biển uy tín cho người tiêu dùng Thủ đô. Có thể kể đến một số địa chỉ như siêu thị Big C, Vinmart, hệ thống cửa hàng Sói Biển, hệ thống nhà hàng Thế giới Hải sản, chuỗi thực phẩm Cleverfood… Các mặt hàng hải sản từ tươi sống đến đông lạnh được bày bán đa dạng chủng loại, được cơ quan chức năng cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài những hải sản tươi sống, các sản phẩm đông lạnh, hải sản chế biến cũng được bày bán tại đây, được đóng gói bao bì, tem nhãn, thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng.

Theo đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Cleverfood, đối với hải sản tươi sống, phương thức vận chuyển khá cầu kỳ, đầu tiên là cho đá vào thùng nước biển để làm lạnh, thả tôm, ghẹ vào cho chết lâm sàng. Sau đó cho tôm, ghẹ ra một túi cho vào thùng rồi bơm oxy vận chuyển ra Hà Nội. Sau khi ra Hà Nội, lấy nước muối sục oxy tôm, ghẹ lại bơi tung tăng. Còn đối với cua, ốc thì quy trình đơn giản hơn nhưng luôn bảo đảm đồ hải sản bảo đảm chất lượng.

Hệ thống nhà hàng Thế giới hải sản cũng là một trong những kênh phân phối hải sản lớn và uy tín trên địa bàn Hà Nội. Hiện công ty có 5 nhà hàng đang hoạt động tại Hà Nội. Sau 7 năm phát triển, hệ thống nhà hàng Thế giới hải sản đã trở thành chuỗi nhà hàng hải sản hàng đầu Thủ đô, được đông đảo thực khách ủng hộ. Vì vậy, sản lượng hải sản tiêu thụ hàng tháng lên đến hàng chục tấn. Anh Vũ Oanh – phụ trách truyền thông của công ty cho biết: Hiện nay, Thế giới hải sản đang bán gần 100 loài hải sản khác nhau, đều có chất lượng loại 1 từ 28 ngư trường trong nước như: Tôm hùm bông Nha Trang, cua Cà Mau, cá bơn vàng… Nhà hàng đặc biệt chú trọng đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả các khâu đều được kiểm soát theo quy trình từ nhập nguyên liệu, chế biến cho đến khi lên bàn ăn.

Tăng cường quản lý chất lượng

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, nguồn hải sản tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội chủ yếu được khai thác và nuôi trồng trên các vùng biển Việt Nam. Nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn TP nói chung, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 7/2/2020 về kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020; Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 24/4/2020 về đẩy mạnh phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho TP Hà Nội năm 2020.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 2.689 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc đối tượng quản lý của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Để bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm các loại hải sản đến tay người tiêu dùng Thủ đô, Sở NN&PTNT giao các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi xác nhận kiến thức ATTP cho chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
Với dân số khoảng 10 triệu người, trung bình mỗi năm Hà Nội tiêu thụ ước tính 54.000 tấn thủy, hải sản tươi sống. TP đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, hội chợ, xúc tiến thương mại, liên kết với các địa phương có biển trong cả nước nhằm hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.