Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông, sử dụng rượu, bia

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị triển khai một số nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học
Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học

Theo đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã thông tin đầy đủ, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm tới cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và Nhân dân thuộc phạm vi quản lý.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật, kỷ cương hành chính; tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.

Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật tập trung vào các quy định của pháp luật về kỷ cương hành chính, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; sử dụng pháo và vật liệu nổ; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, đánh bạc…).

Cùng đó, tuyên truyền các quy định về phòng cháy, chữa cháy; cư trú, xuất nhập cảnh; an ninh thông tin, an toàn mạng; phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm; an toàn thực phẩm; các hoạt động tổ chức lễ hội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động,….

Hội đồng Phối hợp PBGDPL đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ vào điều kiện thực tế lựa chọn hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn bảo đảm thiết thực; truyền tải đầy đủ thông tin pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô; chú trọng tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng lưới loa truyền thanh cơ sở, PBGDPL trực quan trong công tác PBGDPL; lồng ghép giao lưu, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, hòa giải ở cơ sở… Đồng thời phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Đoàn Luật sư Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia phổ biến, vận động, thuyết phục người dân nghiêm túc tuân thủ, chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Đặc biệt, quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về các giải pháp bảo đảm trật tự; an toàn giao thông; phòng, chống tác hại rượu, bia; tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho người dân.

Cùng với tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành luật lệ giao thông, cần kết hợp tuyên truyền với xử phạt nghiêm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, chú trọng việc xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra, các kỹ năng thoát nạn, hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự cố xảy ra…