Hà Nội đề xuất tăng viện phí từ 1/8: “Cú hích” để người dân tham gia BHYT

Hải Lý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (4/7), UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP về việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT đối với các cơ sở y tế của Hà Nội. Hiện, các bệnh viện (BV) đã sẵn sàng cho việc tăng viện phí tới đây.

Khốn đốn vì không có BHYT

Bị rắn hổ mang cắn khi đi làm đồng, bà Trần Thị Phương (65 tuổi, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) được đưa đến BV Bạch Mai cấp cứu và điều trị. Chỉ 4 ngày nằm viện, bà Phương đã phải chi 15 triệu đồng viện phí. Qua giai đoạn nguy hiểm, ngày 2/7, bà Phương được BV Bạch Mai chuyển về Khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa Hà Đông để tiếp tục điều trị. Mới nằm viện tuyến dưới một ngày, bệnh nhân Phương đã phải bỏ tiền túi hơn 1 triệu đồng cho tiền giường và thuốc điều trị. Theo các bác sĩ, ít nhất bệnh nhân Phương sẽ phải tiếp tục điều trị thêm một tuần. Người nhà bệnh nhân cho biết, gia đình hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn, thu nhập chủ yếu từ nghề nông. Chỉ một đợt nằm viện gần như khánh kiệt về kinh tế. “Mấy năm trước mua BHYT nhưng ít khi phải dùng đến, năm nay tôi chần chừ chưa mua vì sợ tốn kém, không ngờ lại phải nằm viện. Giá như tôi mua bảo hiểm ngay từ đầu năm thì giờ không phải ra nông nỗi này” - bà Phương tâm sự.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân Trần Thị Phương đi làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Hải Lý

Tương tự, bệnh nhân Hà Đức Công, 35 tuổi, hiện đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa Hà Đông vì bệnh hen phế quản. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lên cơn hen, khó thở, phải thở máy. Trong những ngày thở máy, bệnh nhân phải chi trả viện phí trên 1 triệu đồng mỗi ngày, còn khi cai máy thở, hiện chi phí rơi vào khoảng 600.000 - 700.000 đồng/ngày. Chị Kiều Thị Miền, vợ bệnh nhân Công cho biết, anh Công không có BHYT nên mọi chi phí tại BV đều phải bỏ tiền túi chi trả. Với những gia đình làm nông, tiền viện phí mỗi ngày 1 triệu đồng gần như vượt quá khả năng chi trả. “Nghe bác sĩ nói, chồng tôi phải nằm viện ít nhất một tuần nữa mới được ra viện, gia đình kinh tế khó khăn, nhưng vẫn phải cố vay mượn để chồng yên tâm điều trị. Sau đợt nằm viện này, nhất định chúng tôi phải mua BHYT”.

Còn tại BV Đa khoa Đống Đa, trong sáng 3/7, ở quầy tiếp đón dành cho bệnh nhân không có BHYT có khá đông bệnh nhân. Người thì bị viêm gan B, người bị bệnh tiểu đường, người đau xương khớp, tức ngực, khó thở… Hầu hết bệnh nhân cho biết, rất hối tiếc vì chưa tham gia BHYT. “Hy vọng bệnh không quá nặng, chỉ lấy thuốc rồi về, còn nếu điều trị dài ngày mà không có BHYT thì khốn đốn lắm, cô ạ. Thu nhập dăm triệu đồng mỗi tháng từ việc bán nước chè chỉ đủ trang trải cuộc sống, giờ phải nằm viện thì không biết kiếm đâu ra tiền” - bác Nguyễn Tiến Đông (phường Nam Đồng, Đống Đa) chia sẻ.

Tạo sự bình đẳng về giá

Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đã chính thức được áp dụng tại 50 BV thuộc Bộ Y tế. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP khác sẽ trình HĐND phê duyệt.

Theo quy định mới, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa là giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV. Trong đó, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Mức tăng này sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT phải điều trị nội trú dài ngày.

Tại BV Đa khoa Đống Đa, ông Lê Hưng - Giám đốc BV cho biết, việc điều chỉnh giá viện phí không ảnh hưởng đến 84% bệnh nhân có BHYT ngoại trú, 91% bệnh nhân nội trú tại đơn vị. Đối với khoa bệnh nặng, bệnh mãn tính như tiểu đường, tiết niệu, thận nhân tạo…, hầu hết người bệnh đều có thẻ BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người bệnh vào viện chưa có BHYT bị tai nạn lao động, TNGT, ngộ độc hay các bệnh cấp tính khác phải chi trả 100% chi phí điều trị, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình.

Thống kê tại Hà Nội cho thấy, có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT, bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội. Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này. “17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là con số quá cao, nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn TP cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả” - đại diện Sở Y tế cho biết.

Theo tờ trình của UBND về việc điều chỉnh giá viện phí sẽ hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt về giá KCB giữa người có BHYT và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế. Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do đảm bảo các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng tính đủ. Mặt khác, việc tăng giá lần này cũng phần nào tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân.