Hà Nội: “Dẹp loạn” trang thông tin điện tử tổng hợp

Hà Thanh - Linh Phạm (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp (TTĐTTH) của một số đơn vị vẫn tồn tại nhiều sai phạm, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý, chấn chỉnh.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của các trang TTĐTTH đang rất "bát nháo", tồn tại nhiều sai phạm. Ông đánh giá tình trạng này thế nào?
- Trước đây, các trang tin tổng hợp được khuyến khích phát triển nhằm trở thành cánh tay nối dài của báo chí góp phần vào việc truyền tải kịp thời thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước để đẩy lùi các thông tin xấu, tin giả trên mạng. Tại khoản 20 Điều 3 Luật Báo chí năm 2016 đã quy định, “trang TTĐTTH là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí của cơ quan, tổ chức, DN cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở đăng đường dẫn truy cập tới nguồn tin báo chí hoặc trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí theo quy định về sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, lợi dụng quy định này, hiện nay, vẫn có nhiều đơn vị tự sản xuất tin bài như báo chí, đăng tải các nội dung có xu hướng tiêu cực, giật gân câu khách.
Giám đốc Sở T&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm.

Sai phạm gây bức xúc nhất hiện nay là một số trang có xu hướng “báo hóa”, sản xuất tin, bài, “rửa nguồn” qua cơ quan báo, tạp chí. Một số trang TTĐTTH chỉ tổng hợp những tin “hot”, thậm chí còn xào xáo tin bài, đặt lại tít gây bức xúc trong xã hội. Cá biệt, có những DN quản lý trang tin ý thức tuân thủ pháp luật rất kém, thậm chí khi có sai phạm, cơ quan quản lý có thẩm quyền liên lạc theo địa chỉ và điện thoại trên giấy phép cũng không liên hệ được hoặc mời lên làm việc không lên, gây khó khăn cho công tác quản lý và hậu kiểm.
Với chức năng là cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp UBND TTP quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin điện tử, thời gian qua, Sở TT&TT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường rà soát, chấn chỉnh. Qua công tác kiểm tra, rà soát, chúng tôi nhận thấy, hành vi vi phạm chủ yếu của các đơn vị hoạt động trang TTĐTTH bao gồm: Không thực hiện việc đăng tải thông tin theo quy định; đăng bài viết từ các cơ quan báo chí chưa được chấp thuận bằng văn bản hoặc đăng thông tin từ các nguồn tin không chính thức (trang thông tin điện tử tổng hợp), chưa đặt link nguồn tin cuối mỗi bài viết; cuối bài viết cho đăng tải ý kiến nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin bài được trích dẫn .

Ngoài ra, cũng có tình trạng chủ sở hữu các trang TTĐTTH liên kết với cơ quan báo chí hoặc phóng viên, nhà báo thiết lập trang TTĐTTH tự sản xuất, viết bài sau đó đăng tải trên báo chí và dẫn lại trên trang TTĐTTH. Đã có tình trạng một số bài viết không tìm thấy trên nguồn báo chí khi sử dụng các công cụ tìm kiếm, chỉ xuất hiện trên trang TTĐTTH, tuy nhiên khi bị mời lên làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện các trang TTĐTTH vẫn xuất trình được bài viết từ nguồn tin báo chí. Các hành vi này không vi phạm quy định pháp luật hiện hành, dẫn đến nhiều khó khăn cho Sở TT&TT trong công tác rà soát, quản lý đối với các trang TTĐTTH.

Theo thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, biện pháp xử lý đối với các trang TTĐTTH vẫn chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính. Liệu đã đến lúc cần phải hình phạt ở mức độ cao hơn như thu hồi tên miền?

- Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 90 triệu đồng đối với 4 trang TTĐTTH, thu hồi 1 tên miền. Ngoài ra, Sở cũng đã kiểm tra, rà soát phát hiện và đề nghị tạm dừng đối với 25 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động quản lý, cung cấp thông tin trên mạng internet.

Theo quy định, các mức độ sai phạm có thể bị thu hồi tên miền của trang TTĐTTH là không quá phổ biến. Tiêu biểu như trong Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, chỉ có hành vi thiết lập trang TTĐTTH khi chưa được cấp phép bị phạt tiền từ 50 triệu - 70 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi tên miền. Các hành vi vi phạm khác không bị thu hồi tên miền. Hay như trong Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng các hành vi bị thu hồi tên miền cũng chủ yếu liên quan tới cấp giấy phép.

Thực tế các đơn vị đều đáp ứng các điều kiện này ngay từ quá trình xin cấp giấy phép thiết lập trang TTĐTTH, các thông tin cung cấp trên trang TTĐTTH cũng không vi phạm quy định tại điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP nên không bị đình chỉ hoặc thu hồi Giấy phép.
Nhiều trang thông tin điện tử vi phạm bản quyền. Ảnh: Hải Linh
Có một thực trạng là một số trang TTĐTTH lấy lại bài vụ việc của cơ quan báo chí chính thống hoặc tự sản xuất tin bài có tính chất vụ việc. Sau đó mang tin bài này đi đe doạ cá nhân hoặc tổ chức để nhằm mục đích gỡ bài hoặc ký hợp đồng quảng cáo. Ông có lời khuyên gì dành cho cá nhân, tổ chức là nạn nhân như trên?

- Có hiện tượng một số trang TTĐTTH đăng tải các bài vụ việc của cơ quan báo chí chính thống hoặc tự sản xuất tin bài có tính chất vụ việc nhưng đăng tải đồng thời trên báo chí và trang TTĐTTH. Điều đầu tiên các cá nhân, tổ chức, DN phải nắm vững các quy định của pháp luật, phân biệt rõ hoạt động của các cơ quan báo chí và trang TTĐTTH. Các trang TTĐTTH phải trích dẫn từ nguồn tin của các cơ quan báo chí, nếu bài đăng trên trang TTĐTTH mà không có nguồn báo chí là vi phạm quy định pháp luật. Sở TT&TT đề nghị các cá nhân, tổ chức, DN khi phát hiện các hành vi đe dọa hãy gửi thông tin vi phạm, đơn tố cáo các trang TTĐTTH này đến Sở TT&TT các tỉnh, TP chủ quản để xử lý.

Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ có những biện pháp gì để đưa các trang TTĐTTH vào hoạt động đúng khuôn khổ quy định, thưa ông?

- Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã thực hiện rà soát gần 700 trang thông tin điện tử do Sở cấp phép. Qua rà soát cho thấy, có 151 trang không hoạt động (chiếm tỷ lệ 22,4%), trong đó 74 trang có tên miền hết hạn và không hoạt động, 77 trang có tên miền còn hạn nhưng không truy cập được. Đối với các trang TTĐT đang hoạt động, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm như: Không cung cấp đầy đủ các thông tin tại trang chủ; không thực hiện việc đăng tải thông tin theo quy định; đăng bài viết từ các cơ quan báo chí chưa được chấp thuận bằng văn bản hoặc đăng thông tin từ các nguồn tin không chính thức…

Trong thời gian tới, Sở TT&TT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động các TTĐTTH, tập trung vào các vi phạm đã được nhắc nhở như nội dung thông tin và quảng cáo, đặc biệt là hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên TTĐTTH; xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động trang TTĐTTH đã được nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Thực hiện Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 19/5/2021 ngày UBND TP Hà Nội về quản lý thông tin trên hệ thống báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội đảm bảo an ninh thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2022, Sở TT&TT Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực trên môi trường mạng, góp phần phát huy được thế mạnh của báo, tạp chí điện tử, trang TTĐTTH, mạng xã hội (nhất là các mạng xã hội trong nước), trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, TP trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển; định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tháng 9/2020, Sở TT&TT Hà Nội và Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đã ký kết “Chương trình phối hợp trong việc nâng cao hiệu quản lý Nhà nước về báo chí và đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, trong giai đoạn này, hai đơn vị sẽ cùng phối hợp trong các nội dung: Tham mưu xây dựng chính sách và quản lý Nhà nước về báo chí; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về báo chí; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...