Hà Nội đột phá trong thu hút FDI

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, Hà Nội vẫn thu hút thêm lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đáng ghi nhận, là một trong những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.

Điểm đến an toàn, hấp dẫn

Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI của Hà Nội tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt khoảng 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD (trong đó vốn, mua cổ phần với giá trị 21,8 tỷ USD).

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội Ảnh: Phạm Hùng 
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội Ảnh: Phạm Hùng 

Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%). Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, đây là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước.

Trong năm 2018 và 2019, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với số vốn tương ứng là 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD. Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 3 với số vốn là 3,83 tỷ USD. Trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch

Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hà Nội, đã đầu tư vào Hà Nội 1,524 tỷ USD. Năm 2022 đạt 1,692 tỷ USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm 2021.

Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Những yếu tố giúp Hà Nội dẫn đầu các tỉnh, TP về thu hút vốn đầu tư nước ngoài gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng.

Không chỉ cho thấy vị thế “đất lành chim đậu”, yếu tố chủ quan là Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ DN, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng DN.

Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN. Đồng thời ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ DN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

 

Công tác cải cách hành chính của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Nội đang quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó đẩy nhanh tiến độ dự án, tiết kiệm thời gian chi phí, tập trung xây dựng danh mục công khai thu hút đầu tư. Đây là nội dung mà các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm.

Giám đốc kinh doanh Europipe, Cộng hòa Liên bang Đức Sacha Habijanac

Hà Nội cũng công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư. Ngoài ra, TP còn tổ chức các hoạt động đối thoại với DN, các hội nghị đầu tư, qua đó nhiều vướng mắc được tháo gỡ là cơ sở xây dựng, hình thành chính sách hỗ trợ DN ổn định sản xuất.

“Hà Nội luôn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ tiềm năng lớn, nhất là sự quan tâm thường xuyên, sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ vướng mắc cho DN của chính quyền TP”- Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki bày tỏ tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, cũng như của TP Hà Nội. Tập đoàn đã quyết định triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam từ nay đến năm 2025. Trong số đó, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư 3 - 4 dự án nữa tại Hà Nội.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD vốn FDI; vốn giải ngân đạt từ 20 - 30 tỷ USD. Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, TP tiếp tục tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, công nghệ cao, xây dựng TP thông minh; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực…

TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kỳ vọng, với chủ trương tiếp tục định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, Hà Nội sẽ tạo đột phá trong thu hút đầu tư, huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng bền vững.

Hoàn thiện thể chế, chính sách

Dù có những thuận lợi nhưng việc thu hút FDI của Hà Nội còn một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ. Về quy hoạch, TP có sự thay đổi về địa giới hành chính vào năm 2008 và hiện nay cũng đang triển khai quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép chậm triển khai thực hiện do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Từ đó, công tác xây dựng các danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.

Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Thứ hai, về cơ chế, chính sách, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng kinh doanh bất động sản có những thay đổi, còn chồng chéo, chưa thống nhất.

Thứ ba, về tiếp cận đất đai, việc xây dựng danh mục dự án để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn chậm, khó khăn. Thứ tư, về tiến độ thực hiện dự án, trên địa bàn TP còn tồn tại các dự án chậm tiến độ nhưng không đủ cơ sở điều chỉnh do không thuộc trường hợp gia hạn quá 24 tháng quy định tại Khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư…

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, TP Hà Nội đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể. Đó là đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của TP để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để hoàn thiện Luật Thủ đô để giúp Thủ đô tăng tốc trong vấn đề phát triển cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của mình. Tạo mặt bằng sạch để thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp.

Đối với các dự án quy mô lớn, phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài nảy sinh nhiều bất cập liên quan đến vấn đề pháp lý, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập tổ công tác liên bộ để hỗ trợ các địa phương trong đó có Hà Nội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án.

 

Nhờ vị thế, tiềm năng của Thủ đô, tinh thần cầu thị, nhất quán về quan điểm đồng hành với DN của chính quyền TP, dòng vốn FDI an tâm đầu tư vào Hà Nội cho thấy một minh chứng vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hà Nội, điểm đến an toàn, hấp dẫn, ổn định cho các DN và các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam -VIAC, TS Vũ Tiến Lộc