Hà Nội đủ hàng hóa, người dân không nên tích trữ lương thực, thực phẩm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát đúng vào thời điểm cận kề Tết Tân Sửu nhưng ngành công thương Hà Nội cam kết đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá qua đó ngăn chặn tình trạng tăng giá đột biến.

Đó là khẳng định của Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khi nói về việc dự trữ hàng hóa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô Tết  Tân Sửu và khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội ngày 29/1 cho thấy, lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm đầy đủ, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ. Tại chợ đầu mối phía Nam, người dân tấp nập ra vào mua sắm hàng hóa.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng được người tiêu dùng mua sắm nhiều chủ yếu là các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới. Công tác tuyên tuyên phòng chống dịch Covid-19 cũng được Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam triển khai dưới nhiều hình thức như: dán pano áp phích, thông qua các loa phát thanh.
Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam yêu cầu người dân, hộ kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi vào chợ mua sắm.

Theo các tiểu thương ở các chợ dân sinh, người dân không còn đổ xô đi mua sắm hàng hóa tích trữ như đợt bùng dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020. Tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông  bà Nguyễn Thị Hòa, 73 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân cho biết: Năm nay có nhiều khuyến mãi, hàng hóa cũng đa dạng, chúng tôi vì vậy cũng có nhiều sự lựa chọn. Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng người tiêu dùng đã từ bỏ tâm lý tích trữ hàng hóa. Hiện chỉ mua vừa đủ hàng Tết với số lượng không nhiều.
Ghi nhận tại một số tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc như Giảng Võ, chợ thuốc Hapulico cũng không xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua khẩu trang,  nước sát khuẩn. Các quầy kinh doanh thuốc tại địa điểm này sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua khẩu trang,  nước sát khuẩn.
 Hàng hóa, thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam dồi dào, không thiếu hàng

Tại siêu thị Big C Thăng Long các kệ hàng đầy ắp hàng hóa, nhân viên siêu thị luôn sẵn sàng bổ sung thêm hàng hóa. Đặc biệt giá cả của các mặt hàng tại đây không có tình trạng “sốt giá”, ngược lại, Big C Thăng Long còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá qua đó kích cầu tiêu dùng.
9Liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: Hiện nay, toàn bộ kho hàng của GO!/ Big C ở miền Bắc và miền Nam đã được chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cả hàng tươi và hàng đông lạnh (đầy đủ hàng ở cả kho mát và kho lạnh).
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C ngày 29/1

Vì tính chất đáp ứng nhu cầu dịp Tết, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều hàng hóa, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đến 300% so với tháng thường. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng quan tâm nhiều trong các đợt Covid-19 trước đây như: gạo, dâu ăn, nước mắm, mì gói, nước rửa tay, khẩu trang… chúng tôi luôn luôn có đầy đủ hàng hóa, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.
Tương tự tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông cũng đầy ắp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tươi sống, đông lạnh. Nhiều chương trình khuyến mại cũng được phía hệ thống siêu thị Co.op Mart Hà Đông tổ chức nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
 Nhân viên siêu thị Big C bổ sung hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm ( ngày 29/1)

Đặc biệt tại tất cả siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm, gần như 100% người dân đi mua sắm tại chợ truyền thống, siêu thị đều đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19.
Trước những thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện trở lại và có diễn biến phức tạp, chiều ngày 28/1, Bộ Công thương họp khẩn với các địa phương về về tình hình ứng phó với dịch Covid-19. 
 Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Big C ngày 29/1

Theo đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong mọi tình huống đều phải đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng xáo trộn đời sống của Nhân dân.