Hà Nội gặp mặt 203 tấm gương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức gặp mặt đoàn đại biểu các tấm gương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc đang tham dự Hội nghị tôn vinh điển hình “Dân vận khéo" tiêu biểu trong cả nước; tổng kết và trao giải Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo" do Ban Dân vận Trung ương tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi gặp mặt.

Tham dự buổi gặp mặt, về phía đại biểu Ban Dân vận Trung ương có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K'Ré; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh. Các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Nguyễn Lam, Nguyễn Phước Lộc, Bùi Tuấn Quang, Đỗ Văn Phớn.
 Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương tặng hoa chúc mừng thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn. Đặc biệt, tham dự gặp mặt có 203 đại biểu là các tấm gương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc.
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K'Ré cho biết, học tập và làm theo tấm gương “Dân vận khéo" của Bác Hồ, năm 2009, Ban Dân vận Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo" trong cả nước. Hơn 10 năm qua, phong trào nhanh chóng được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, cả nước đã bình chọn, tôn vinh được hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo" ngày càng gần gũi hơn, thiết thực hơn với đời sống xã hội; khơi dậy và phát huy được tiềm năng, nguồn lực to lớn của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K'Ré cũng đánh giá, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Thành ủy Hà Nội với Ban Dân vận Trung ương tiếp tục có nhiều đổi mới tiến bộ, ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Đặc biệt, trong thời gian qua, công tác dân vận cũng như phong trào thi đua “Dân vận khéo" đã lan tỏa mạnh mẽ trong công tác phòng, chống và kiểm soát đại dịch Covid-19. Điều này góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô vượt qua thử thách, gương mẫu, đi đầu trong phòng chống và kiểm soát đại dịch; mang lại cuộc sống ổn định, bình yên để phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương cùng 203 tấm gương là điển hình “Dân vận khéo” của cả nước. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Hà Nội đang tổ chức trên 30 sự kiện để chào mừng kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K'Ré phát biểu tại buổi gặp mặt. 
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận. Trong 5 năm qua, toàn Thành phố tổ chức trên 20.000 cuộc giám sát, trên 5.600 cuộc phản biện xã hội và trên 1.700 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Thành phố cũng tăng cường xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thông qua đó tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo" cũng được Thành phố triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa lớn. Đến nay, toàn Thành phố có trên 10.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
Trong nhiệm kỳ tới, Thành ủy Hà Nội xác định tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác dân vận; thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện tốt quy định tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc giám sát tổ chức đảng và đảng viên, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
 Toàn cảnh buổi gặp mặt.
Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận. Xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với Nhân dân.