Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm cúm, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch cúm gia tăng tại Hà Nội và cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Chỉ thị số 153/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đường hô hấp trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Xuân năm 2018.

 Ảnh minh họa
Theo Bộ Y tế, trong những tuần đầu năm 2018, tình hình dịch cúm trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, bùng phát tại Mỹ và Hồng Kông, Triều Tiên. Dịch sởi xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi-rút cúm nhập viện có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2017, đồng thời ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc sởi tại một số bệnh viện.

Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các tháng đầu xuân năm 2018 nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc bệnh và tử vong do sởi và cúm ở người, ngày 13/02/2018 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị số 153/CT-BYT gửi các đơn vị y tế để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đường hô hấp.

Thống kê tại Hà Nội cho thấy, trong tháng 1, các bệnh viện ở Hà Nội đã ghi nhận trên 1.000 ca bệnh cúm. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ tháng 1 đến nay có 850 ca mắc cúm đến khám, 390 người nhập viện. Bệnh viện Xanh pôn cũng ghi nhận trên 10 bệnh nhân cúm mỗi ngày.
Trong chiều qua, tại cuộc họp khẩn phòng chống dịch cúm do Bộ Y tế tổ chức, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Nam Thăng Long... có kế hoạch thường trực cấp cứu, đón tiếp, phân luồng, cách ly bệnh nhân, chuẩn bị đủ vật tư, giảm thấp nhất biến chứng đặc biệt tử vong; đảm bảo không lây chéo. Đồng thời rà soát lại số thuốc Tamiflu các bệnh viện hiện còn. Thuốc Tamiflu được chỉ định dùng điều trị cúm cho trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.