Hà Nội ghi nhận thêm hơn 1.000 ca sốt xuất huyết

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua (từ ngày 25 đến 31/8), Hà Nội ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó).

Trong số các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần, dẫn đầu là Đống Đa với 105 ca bệnh, tiếp đến là Cầu Giấy có 86 ca, Nam Từ Liêm (77 ca), Hoàng Mai (76 ca), Đan Phượng (68 ca), Phú Xuyên (63 ca).

Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 66 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã: Đông Anh (10 ổ dịch); Phúc Thọ (8 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Nam Từ Liêm (6 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch).

4 quận, huyện: Hà Đông, Quốc Oai, Đống Đa, Ba Đình - mỗi nơi có 3 ổ dịch; 7 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng - mỗi nơi có 2 ổ dịch; 5 huyện: Gia Lâm, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Đan Phượng - mỗi nơi có 1 ổ dịch.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêu diệt tác nhân lây truyền bệnh (loăng quăng).
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêu diệt tác nhân lây truyền bệnh (loăng quăng).

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.693 ca mắc, sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 541/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là Thạch Thất (715 ca), Hoàng Mai (535 ca), Thanh Trì (509 ca), Bắc Từ Liêm (406 ca), Hà Đông (367 ca), Phú Xuyên (362 ca), Cầu Giấy (335 ca), Đống Đa (335 ca), Nam Từ Liêm (328 ca).

Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay là 473. Hiện còn 142 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện.

Trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất có 366 bệnh nhân, tiếp đến là xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất có 248 bệnh nhân; thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (76 bệnh nhân); thôn Đống - xã Cao Viên - huyện Thanh Oai (35 bệnh nhân)…

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát trong tuần qua, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân.

Dự báo, tình hình dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp.

Đồng thời, rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.

Trong tuần này, TP tiếp tục giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch của 6 quận, huyện: Thanh Trì, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đống Đa, Đông Anh, Hai Bà Trưng.

TTYT các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh để tham mưu UBND tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn.

Tại các địa phương, cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Trước đó, Hà Nội cũng ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong trong năm nay gồm một bệnh nhân 19 tuổi (ở quận Hà Đông) có kèm theo bệnh nền và một nữ bệnh nhân 45 tuổi (quận Hoàn Kiếm).

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 66.400 ca sốt xuất huyết. Theo báo cáo tại các địa phương có 17 ca tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm 2023 tập trung tại TP Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như TP Hồ Chí Minh (8.628 ca), An Giang (3.161 ca), Đồng Nai (3.114 ca), Bình Dương (2.482 ca), Bình Thuận (3.118 ca), Sóc Trăng (2.481 ca). Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2.

Sốt xuất huyết Dengue gồm các tuýp là Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với tuýp virus đã mắc nhưng không có miễn dịch chéo với các tuýp virus còn lại nên vẫn tái nhiễm. Các tuýp đều có nguy cơ biến chứng nặng như nhau nên người dân không được chủ quan.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêu diệt tác nhân lây truyền bệnh (loăng quăng). Người dân chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan đến bệnh để biết cách xử trí đúng khi có dấu hiệu sốt xuất huyết.