Hà Nội giao ban về công tác phòng cháy, giải ngân đầu tư công, tiếp dân

Trần Long - Thuỷ Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Quý III/2023 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tham dự có 10.828 đại biểu tại 558 điểm cầu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Tham dự có đại diện một số cơ quan Trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND TP; các Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư, chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị ủy; bí thư các đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội...

Hội nghị gồm 3 nội dung: Quán triệt Chỉ thị số 25 – CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới; Báo cáo tình hình và các yêu cầu, giải pháp tăng cường, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị "Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân".

Các đồng chí lãnh đạo TP chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Thành uỷ Hà Nội
Các đồng chí lãnh đạo TP chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Thành uỷ Hà Nội

Lấy chủ động phòng ngừa là chính

Mở đầu hội nghị, Quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 25 – CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết, Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua, quán triệt và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ,  Thành phố (TP) đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH.

Tuy nhiên, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp,...

Đặc biệt vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong quán triệt Chỉ thị số 25 – CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong quán triệt Chỉ thị số 25 – CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về PCCC và CNCH có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Công tác tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều yếu kém, còn phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với công tác phòng, chống cháy, nổ, kiến thức, kỹ năng còn hạn chế.

Từ tình hình trên, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác PCCC và CNCH…, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu quán triệt lấy chủ động phòng ngừa là chính, là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và Nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; đồng thời yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.

“Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ””- Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo.

Tại Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố; đồng thời chỉ đạo rõ, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị này; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, “buông lỏng” trong quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC và CNCH và để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về PCCC từ khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng, thiết kế, nghiệm thu về PCCC và trong suốt quá trình khai thác, sử dụng các dự án, công trình...; cần khắc phục triệt để ngay những hạn chế, vướng mắc dẫn đến tồn tại các vi phạm nhất là ở những địa bàn, cơ sở trọng điểm. Tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà cho thuê trọ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng, PCCC…

“Cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì Thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật”-Chỉ thị nêu.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị đã nêu nhiều ý kiến nhằm nâng cao năng lực PCCC và CNCH, đặc biệt là sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong kiến nghị việc xây ngăn khu để xe với khu nhà ở; thường xuyên kiểm tra xe máy, xe điện nhất là hệ thống sạc điện theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất; đồng thời trang bị đầy đủ phương án, phương tiện cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu PCCC và xử lý sự cố.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ” (bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại khi lực lượng cảnh sát PCCC ở xa chưa kịp tới hoặc khó tiếp cận đám cháy, qua đó giảm thiểu những thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra.

Kết quả giải ngân đạt cao hơn cùng kỳ năm trước

Trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 (tính đến hết ngày 15/9/2023), Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, kết quả giải ngân đầu tư công đạt cao hơn cùng kỳ năm trước và hàng tháng đều cao hơn mức trung bình của cả nước.

Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Anh Quân báo cáo tại hội nghị
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Anh Quân báo cáo tại hội nghị

Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của TP năm 2023 sau điều chỉnh 53.105 tỷ đồng (tăng 6.159 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao). Kế hoạch đầu tư ngân sách cấp TP là 32.285 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của toàn TP là 22.876 tỷ đồng (đạt 43,1% kế hoạch thành phố giao và đạt 48,7% kế hoạch Thủ tướng giao. Tính đến ngày 20/9/2023 là 23.469 tỷ đồng (đạt 44,2% kế hoạch Thành phố giao và đạt 50% kế hoạch Thủ tướng giao).

Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, TP yêu cầu Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị để tổng hợp số liệu liên quan đến khả năng đấu thầu, đấu giá của 30 quận, huyện, thị xã từ nguồn thu từ đất. Trong đó cần xác định rõ tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu, đấu giá của từng vị trí các khu đất, từng quận, huyện, thị xã để báo cáo UBND Thành phố tổ chức buổi làm việc chuyên đề.

Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án. Đối với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy tính chủ động và quyết liệt trong điều kiện được Thành ủy phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ và giao làm chủ đầu tư nhiều dự án cấp TP. Chỉ đạo các phòng chuyên môn khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án để sớm khởi công, đảm bảo đủ thời gian thi công để tích lũy khối lượng thực hiện, hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đã giao.

Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm xử lý của quận, huyện, thị xã, trong đó đặc biệt các khó khăn về giải phóng mặt bằng. Tập trung hơn nữa, xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp để tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố và địa phương.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công năm 2024: Yêu cầu các đơn vị từ nay đến tháng 12/2023, phải tập trung cho công tác lập, trình phê duyệt kế hoạch…

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phần thảo luận.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành phần thảo luận.

Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm xử lý của quận, huyện, thị xã, trong đó đặc biệt các khó khăn về giải phóng mặt bằng. Tập trung hơn nữa, xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp để tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, đảm bảo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ của TP và địa phương.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công năm 2024: Yêu cầu các đơn vị từ nay đến tháng 12/2023, phải tập trung cho công tác lập, trình phê duyệt kế hoạch…

Điều hành thảo luận về nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là nội dung Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP rất quan tâm. TP đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay. Với kết quả hiện nay, để đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân rất nhiều và nặng, đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương...

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đã nêu rõ kết quả giải ngân của đơn vị, địa phương, bài học kinh nghiệm và các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giải ngân năm 2023.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu phát biểu tại hội nghị
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu phát biểu tại hội nghị

Đáng chú ý, các ý kiến cho rằng, để có được kết quả giải ngân cao, các quận, huyện phải có kế hoạch ngay từ đầu năm, phân công, giao chỉ tiêu theo từng tháng kết hợp với kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; tranh thủ sự chỉ đạo của thành phố, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành...

Tổng hợp về nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tháo gỡ từng dạng khó khăn, vướng mắc và đối với từng dự án cụ thể. Trong đó, số dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng khá lớn, cần có chuyên đề để phân tích cụ thể tập trung tháo gỡ.

9 tháng, Bí thư Thành ủy 5 lần tiếp dân, 4 lần đối thoại

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Trong đó,  đều khẳng định, việc thực hiện tốt Quy định có tác dụng giúp ổn định tình hình chính trị-xã hội trên các địa bàn, duy trì mối quan hệ máu thịt giữa cấp ủy Đảng với Nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội...

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức phát biểu tại hội nghị
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức phát biểu tại hội nghị

Trao đổi về nội dung này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, 9 tháng qua, trực tiếp đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng đã gương mẫu thực hiện nghiêm Quy định 11-QĐi/TƯ, thực hiện 5 cuộc tiếp công dân, 4 cuộc đối thoại với trên 33.000 người tham gia đối thoại.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy đề nghị Bí thư cấp ủy các cấp TP trước hết phải thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, đối thoại định kỳ theo đúng quy định; đặc biệt, sau tiếp công dân và đối thoại phải có kết luận cụ thể, rõ ràng gắn với tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, bảo đảm thực chất, hiệu quả, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo.

Đồng thời lưu ý Bí thư cấp ủy cần nhận thức sâu sắc nội dung căn bản của Quy định 11-QĐi/TƯ đồng thời tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức trong tập thể cấp ủy và tổ chức đảng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, nhầm lẫn với các nội dung tiếp dân, giải quyết đơn thư của khối chính quyền.

Xây dựng Đề án về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy

Trong kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã nhấn mạnh nhiều vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị

Trong đó, để thực hiện tốt Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố trong tình hình mới của Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành của TP tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của Chỉ thị. Nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong toàn Thành phố, xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, coi đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện...

Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ rõ, cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, PCCC theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy và trước pháp luật...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo thẩm quyền.

Để tiếp tục thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp, các ngành của TP tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 2023 của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như xem xét, đánh giá người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan có những khuyết điểm, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản...

Về công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc, đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; kịp thời thực hiện các giải pháp ổn định tình hình, không để phát sinh “điểm nóng” nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị...