Hà Nội: Gỡ vướng cho doanh nghiệp vay vốn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Câu chuyện doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và lãi suất cho vay còn cao một lần nữa làm nóng hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp diễn ra ngày 21/9. Hội nghị do UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức.

Hội nghị do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị

Doanh nghiệp tiếp tục than khó vay, lãi suất còn cao

Ông Lê Vĩnh Sơn- đại diện Hiệp hội sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, việc tiếp cận vay vốn của các doanh nghiệp (DN) nhỏ trên địa bàn khó khăn, với khoản vay ngắn, trung bình ngân hàng duyệt 1-3 tháng, vay trung và dài hạn, trung bình duyệt cho vay 3-6 tháng.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Ảnh minh hoạ
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, trong lúc cần vốn đầu tư, đi gõ cửa các ngân hàng thì đâu đâu cũng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng khi DN gồng mình trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để đáp ứng vay thì báo cáo tài chính, tài sản đảm bảo là rất khó.

Ông Sơn cũng nêu thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quy định được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác nhưng với các nguồn vay trung và dài hạn, nếu trả nợ trước thường chịu phạt lãi trả trước 1-5%. Đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ phạt đến 1%.

Tổng Giám đốc Nagakawoa Nguyễn Thị Huyền Thương cho hay, chi phí tài chính của công ty chiếm 3-4% (trong đó, chi phí lãi suất chiếm 60-70% trong chi phí tài chính). Khi lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Trong ngành cung cấp thiết bị điện lạnh, đứng trước các đối thủ cạnh tranh của nước ngoài lớn, chúng tôi gặp nhiều rào cản như DN đó có tiềm lực tài chính lớn. Gây nguy cơ DN trong nước thua trên sân nhà.

Ngoài việc kiến nghị giảm lãi suất, giới DN vẫn kỳ vọng dòng tiền từ các gói hỗ trợ nói chung sẽ “chảy” thực tế hơn. Bà Trịnh Thị Ngân - đại diện Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội cho biết, Nghị định 31/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất 2% DNNVV được thụ hưởng còn khiêm tốn. Hiệp hội kiến nghị lãi suất 2% này nên hỗ trợ trực tiếp vào DN, để DN được thụ hưởng. Có thể đưa vào gói hỗ trợ cho DNNVV. Bà Ngân cũng kiến nghị, các ngân hàng tiếp tục cải cách thủ tục để DNNVV tiếp cận nhanh, đồng thời phân loại tiêu chí hồ sơ DNNVV khác với loại hình DN khác.

Trong chi phí tài chính, chi phí biến động tỷ giá với DN cũng là vấn đề lớn. Theo Giám đốc Công ty CP Cơ khí Đông Anh Nguyễn Việt Hùng, bên cạnh kiến nghị: “duy trì lãi suất ổn định, bởi nếu giảm xong lại tăng thì rất khó. Ngoài ra, mấy tuần nay, tỷ giá lên cao, khiến DN rất lo lắng”.

Giám đốc Công ty TNHH Vật tư và cơ cấu thép Nguyễn Trọng Hoa cũng nhìn nhận, thiếu đơn hàng, thị trường xuất khẩu chưa hồi phục, giờ đây các DN càng thêm lo lắng khi tỷ giá đồng USD tăng cao. Tỷ giá tăng kéo theo hàng loạt hệ lụy như chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng…

Địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn

Trước những tâm tư của DN, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, năm 2023 là năm rất quan trọng. Hà Nội là trung tâm kinh tế, nơi đóng trụ sở của các Tập đoàn Kinh tế và các ngân hàng, do đó, Hội nghị kết nối DN -ngân hàng rất có ý nghĩa và quan trọng.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, 9 tháng năm 2023 kinh tế cả nước và Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Thu ngân sách đạt trên 83%, đầu tư công đạt 53%... trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân, DN và ngành ngân hàng. Hà Nội lập tổ công tác tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN cả về thủ tục, cả về tạo thị trường để DN sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Cho rằng trong ngân hàng chi phí tài chính là quan trọng, tuy nhiên, lãnh đạo TP Hà Nội rất mong NHNN có hướng dẫn các ngân hàng cải cách hành chính, thủ tục phù hợp để DN dễ tiếp cận. “Hơn 370.000 DN trên địa bàn Hà Nội với những số phận khác nhau. Các ngân hàng đã quan tâm rồi, mong các ngân hàng tiếp tục quan tâm hơn nữa để các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh”- Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%.

Trên địa bàn TP Hà Nội, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng 8,35%); quy mô tín dụng của TP đứng thứ 2 toàn quốc.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các DN trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...)

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, NHNN và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của DN. Hiện nay Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. "Thông tư hướng dẫn của NHNN cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). NHNN cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn"-  bà Hồng nói.

Thống đốc đề nghị các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho DN, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của DN, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.

Về tỷ giá, Thống đốc chia sẻ, trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, có DN xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam. Trong khi đó, các DN nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá thì làm cho các DN nhập khẩu bị nhỡ. Điều hành tỷ giá trên góc độ tổng thể của nền kinh tế. Tỷ lệ nhập khẩu trên GDP gần 100%, đây là bài toán rất khó khăn, NHNN đang theo dõi từng ngày từng giờ. Thống đốc nhấn mạnh NHNN điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.