Hà Nội: Hộ chăn nuôi lập hàng rào ngăn dịch tả lợn châu Phi

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, thời gian gần đây, người chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ngay tại gia đình. Ở những hộ chăn nuôi lớn đã lập hàng rào chắn, thực hiện phương châm “ngoại bất nhập”.

Hộ gia đình anh Phùng Huy Cường (Vật Lại, Ba Vì) lập hàng rào chắn trước cổng ra vào trang trại.
Thực hiện phương châm “ngoại bất nhập”
Khoảng gần 1 tháng nay, anh Phùng Văn Hiển (thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì) như "ngồi trên đống lửa" vì thông tin dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) liên tục lan rộng. Hiện gia đình anh đang chăn nuôi 170 lợn nái và hơn 500 lợn thịt. Hàng ngày anh theo dõi rất sát tình hình DTLCP trên báo đài. Ngoài việc tiêm đầy đủ vaccine, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại để bảo vệ đàn lợn, gia đình anh còn thực hiện phương châm “ngoại bất nhập”, đồng thời lập hàng rào và treo biển cấm ra vào trại.
Anh Hiển cho biết, nếu như trước kia trung bình cứ 3 ngày anh rắc vôi bột và phun thuốc sát trùng một lần, thì nay ngày nào anh cũng phun và rắc vôi bột. Để hạn chế tối đa người ra vào trại, anh bố trí cho 5 công nhân ăn ngủ tại trại và sử dụng thức ăn theo hình thức “tự cung tự cấp”. “Mấy năm trước giá lợn xuống thấp gia đình tôi đã thua lỗ rất nhiều rồi, nên giờ chẳng may gặp phải dịch bệnh thì gia đình không thể gượng dậy được nữa”- anh Hiển nói.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, TP Hà Nội sẽ tiếp tục phát động một đợt phun tiêu độc khử trùng bổ sung ở tất cả các quận, huyện. Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra từ 15/3 - 15/4, kinh phí do TP cấp.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng

Cách đó không xa là hộ gia đình anh Phùng Huy Cường hiện đang chăn hơn 30 lợn nái và hơn 100 lợn thịt. Qua tìm hiểu thông tin về dịch bệnh, anh Cường hiểu rằng, lúc này cần phải chủ động dồn sức phòng bệnh cho đàn lợn. Về nguồn thức ăn cho lợn, anh chủ động phối trộn, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, anh tiến hành quây hàng rào quanh trang trại nhằm ngăn ngừa tác nhân lây lan bệnh như côn trùng, chuột… Ngay cổng ra vào trại, gia đình anh cũng lập hàng rào, đồng thời treo biển “cấm vào trại”.
Tương tự, tại HTX chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cũng thực hiện nghiêm ngặt các bước ngăn chặn DTLCP. Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX cho biết, ngay khi DTLCP xâm nhập vào Việt Nam, trang trại đã thực hiện chế độ cấm trại với phương châm “ngoại bất nhập”.
Đối với phương tiện đến giao thức ăn, thu mua lợn đều phải đỗ cách trại 1km và được phun sát trùng. Đối với hàng hóa, dụng cụ cũng được sát trùng kỹ trước khi nhập vào trại. Riêng người đến giao dịch mua bán chỉ được tiếp đón ở khu vực phòng khách cách ly khu chuồng nuôi, song đều phải tuân thủ các bước thay trang phục bảo hộ và đi qua phòng sát trùng. Đặc biệt, công nhân của trại không ra khỏi khu vực trại nuôi và thực hiện “4 tại chỗ” (ăn, ngủ, vệ sinh, lao động) để hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm bệnh dịch từ nhiều nguồn.
“Do đặc thù là chuồng nuôi kín nên chúng tôi phải hòa thuốc khử trùng CloraminB hoặc Virkon vào nước, sau đó phun chuồng nuôi 3 lần/ngày, phun khu vực xung quanh, bên ngoài trang trại 2 lần/ngày”.
Nhà nước và Nhân dân cùng làm
Phòng bệnh bằng cách thường xuyên tiêu độc khử trùng, bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho đàn lợn… đang được người chăn nuôi trên địa bàn TP nỗ lực thực hiện. Bởi hơn ai hết, người nông dân hiểu rằng nếu dịch xảy ra, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề vì đây là dịch bệnh chưa có vác xin phòng ngừa, chưa có thuốc chữa, một khi mắc bệnh thì sẽ phải tiêu hủy 100% đàn. Ngoài lượng vôi bột và hóa chất do Nhà nước và chính quyền địa phương cấp, các hộ gia đình cũng chủ động mua các loại hóa chất, vôi bột về tổng vệ sinh khu vực trang trại nhà mình.
Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay bệnh DTLCP đã xảy ra tại 536 hộ, 252 thôn, 118 xã/phường, 33 quận/huyện thuộc 13 tỉnh, TP. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên 12.218. con. Riêng địa bàn TP Hà Nội, đến nay bệnh DTLCP đã xảy ra ở 9 hộ, thuộc 5 quận, huyện. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 172 con.
Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long, thuốc CloraminB và Virkon là những loại thốc khử trùng hiệu quả nhất hiện nay, song do là thuốc nhập ngoại, giá cả tương đối cao nên nếu sử dụng thường xuyên, lâu dài sẽ kéo theo một khoản chi phí lớn. Do đó, ông Long kiến nghị: “Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí mua thuốc khử trùng cho người chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại quy mô lớn kể cả trong mọi thời điểm, không cứ là phải cứ xuất hiện dịch bệnh mới hỗ trợ như hiện tại. Nếu công tác khử trùng, vệ sinh tiêu độc được thực hiện tốt thì dịch bệnh rất ít có cơ hội xảy ra”.
Một trong những vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay chính là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với lợn bị mắc dịch buộc phải tiêu hủy. “Chúng tôi hiểu, đây chỉ là hỗ trợ của Nhà nước chứ hoàn toàn không phải đền bù thiệt hại nên không dám đòi hỏi. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên có những tính toán chính sách hỗ trợ sát hơn với giá thị trường. Đặc biệt là cần đánh giá rõ từng loại lợn để hỗ trợ cho hợp lý” - ông Nguyễn Văn Thích, thôn 1, Trung Châu, Đan Phượng kiến nghị. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng bày tỏ mong muốn các thủ tục hỗ trợ đơn giản hơn, rút ngắn thời gian hỗ trợ để người chăn nuôi có vốn sớm tái sản xuất.