Hà Nội hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản xây dựng xã hội học tập

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản Đề án của Chính phủ về công tác xây dựng xã hội học tập, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Sáng 11/7, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam về triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư (Khóa XII) về việc thực hiện Chỉ thị số 11 số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND TP thực hiện tốt Đề án 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030. Các sở ngành thành phố đã có sự phối hợp tích cực và đạt được những kết quả, thành tích tốt. Ngoài ra, các cấp, ngành đã chủ động, tích cực và trách nhiệm trong thực tiễn triển khai các đề án thành phần. Qua đó, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân Thủ đô và hoàn thành các mục tiêu Chính phủ đề ra.

Kết thúc giai đoạn 2012-2020, Hà Nội là địa phương hoàn thành cả bốn mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%); số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)… Thành phố Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã hội học tập.

Tiếp nối và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ công cuộc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030, Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 16/12/2021 thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” thành phố Hà Nội. Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đều được kiện toàn.

Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 06/5/2022 đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.  Hiện nay, thành phố Hà Nội có 579 trung tâm học tập cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà NộiVũ Thu Hà trình bày báo cáo tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà NộiVũ Thu Hà trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tính đến thời điểm hiện nay, 100% cán bộ công chức, viên chức từ thành phố đến quận, huyện, thị xã đều được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định; 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập có ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động…

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, muốn xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh học tập suốt đời cần phải có 3 yếu tố: Cam kết chính trị từ các cấp lãnh đạo; cam kết vận động nguồn kinh phí và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài kết quả thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" của thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, để phát huy hiệu quả việc xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh học tập suốt đời cần có sự lãnh đạo, cam kết chính trị từ thành phố đến các đơn vị, quận, huyện; thống nhất về tổ chức bộ máy, tránh hành chính hóa; nghiên cứu các vấn đề đặc thù, trong đó có đặc thù về thù lao.

Đồng thời, xây dựng kinh phí hoạt động thường xuyên của Hội Khuyến học từ thành phố đến các địa phương và kinh phí cho các chương trình được Đảng và Nhà nước giao. Cùng với đó, đề xuất việc thành lập Quỹ khuyến học theo quy định và củng cố Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thành phố làm cơ sở để Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất xây dựng lại Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập Trung ương…

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Xác định xây dựng xã hội học tập là mục tiêu phát triển giáo dục

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố Hà Nội luôn nhận thức được tầm quan trọng, dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về vấn đề này. Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn Thành phố triển khai, thực hiện cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập thành các kế hoạch, chương trình công tác của thành phố.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các cấp, ngành của thành phố đã có sự phối hợp tích cực và đạt được những kết quả, thành tích tốt trong giai đoạn vừa qua, đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân Thủ đô, góp phần hoàn thành các mục tiêu Trung ương đã đề ra. Đến nay, Hà Nội là địa phương hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản Đề án của Chính phủ về công tác xây dựng xã hội học tập, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức phong phú, thiết thực để người dân nhận thức rõ hơn về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập ở Thủ đô hiện nay. Xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô là một mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Chính quyền các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từng bước tổ chức xây dựng mô hình "Đơn vị học tập" ở cấp quận, huyện, ở cơ quan, đơn vị; mô hình "Thành phố học tập", "Công dân học tập" theo các tiêu chí được Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Mỗi tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên. Củng cố và phát triển các tổ chức Hội Khuyến học ở các cộng đồng dân cư; phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và trong lực lượng vũ trang tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi rộng khắp trên địa bàn thành phố.