Hà Nội: Học sinh học sách giáo khoa lớp 1 biết đọc viết và tính toán tốt

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các em học sinh lớp 1 học rất nhanh, hơn hẳn học sinh lớp 1 các năm trước về khả năng hiểu biết, năng lực đọc viết, tư duy toán học, năng động, tự tin.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ đã kiểm tra tình hình dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) và chuẩn bị triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6 tại Hà Nội, ngày 25/3.

Báo cáo đoàn công tác, cô giáo Nguyễn Điệp Anh - Hiệu trưởng trường Tiểu học (TH) Hoàng Diệu, nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai CT GDPT 2018 phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 được tham gia các khoá tập huấn về chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới.

Đội ngũ đứng lớp dạy lớp học đầu tiên thực hiện chương trình mới là người có năng lực chuyên môn, trách nhiệm, tích cực đổi mới sáng tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… được nhà trường đã kịp thời bổ sung để đáp ứng yêu cầu của chương trình và đảm bảo thuận lợi cho dạy học 2 buổi/ngày…

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự giờ lớp 1 trường TH Hoàng Diệu.

Hiệu trưởng trường TH Hoàng Diệu nhận định, sau hơn 1 học kỳ triển khai CT GDPT 2018, chất lượng dạy học lớp 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thể hiện ở việc học sinh cơ bản đã đọc, viết, tính toán tốt; tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện CT GDPT mới đối với lớp 2, trường TH Hoàng Diệu đã xây dựng kế hoạch cụ thể như: Lên danh sách giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021 - 2022  và ưu tiên đội ngũ này tham gia các khoá bồi dưỡng các cấp về chương trình, SGK mới.

Trường TH Hoàng Diệu đã tổ chức cho tổ chuyên môn đọc, nghiên cứu 3 bộ SGK lớp 2 thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để tổng hợp đề xuất lên phòng GD&ĐT.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng trường TH Kim Đồng, báo cáo: Giai đoạn đầu thầy và trò vất vả khi triển khai CT GDPT mới trong bối cảnh học sinh trước đó phải nghỉ học dài nên việc làm quen mặt chữ ở bậc mầm non bị hạn chế, khi vào lớp 1 lại không có tuần để làm quen nề nếp… Tuy nhiên, với những ưu điểm của chương trình và sự nỗ lực của thầy cô, sự chỉ đạo - hỗ trợ kịp thời của các cấp quản lý, đến cuối học kì 1 kết quả học tập của học sinh khá tốt.

 Làm việc với ngành Giáo dục Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết tinh thần đổi mới đã đến từng giáo viên, học sinh.

“Các em học rất nhanh, hơn hẳn học sinh lớp 1 các năm trước về khả năng hiểu biết, năng lực tự viết, tư duy toát tốt, năng động, tự tiên...” – Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Anh cho hay.

Trong khi đó, Hiệu trưởng trường TH Thủ Lệ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, đại bộ phận thầy cô đều rất phấn khởi trước kết quả học tập của học sinh sau một học kỳ triển khai CT GDPT mới. Phụ huynh học sinh cũng yên tâm với công tác dạy - học của nhà trường.

Báo cáo tổng quan tình hình thực hiện CT GDPT 2018 ngành giáo dục Hà Nội, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Thị Minh Hương đánh giá: Đến thời điểm này, lớp 1 thực hiện chương trình GDPT 2018 cơ bản đã thành công; nhà trường, phụ huynh đồng lòng thực hiện.

Tuy nhiên, khi triển khai CT GDPT mới, TP Hà Nội cũng gặp những khó khăn, nổi cộm là sĩ số học sinh/lớp còn cao khiến việc quan tâm đến phát triển năng lực cho từng em bị hạn chế. Bên cạnh đó là thiếu giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày.

Đối với việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu sách đến 100% cán bộ, giáo viên dự kiến dạy các lớp học này. UBND TP cũng đã ban hành tiêu chí chọn SGK. Việc thành lập hội đồng lựa chọn SGK và các nội dung khác trong quy trình đang được TP triển khai, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Sau khi kiểm tra thực tế và báo cáo từ địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả bước đầu triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2, lớp 6 của ngành Giáo dục Hà Nội.

Công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng, chăm lo, quản lý điều hành, đầu tư cơ sở vật chất…được từ UBND các cấp đến ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. “Tinh thần đổi mới đã đến với từng giáo viên, học sinh; thầy cô vì học trò nên việc triển khai đã có hiệu quả rõ rệt” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Để triển khai hiệu quả tiếp CT GDPT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, Hà Nội chú trọng thống nhất đổi mới từ nhận thức đến hành động. Đội ngũ từ cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên phải nắm chắc chương trình từ quan điểm, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Cả hệ thống chính trị, cán bộ quản lý cần cùng vào cuộc đồng bộ chứ không phải chỉ có giáo viên tiếp cận đổi mới chương trình.

Với những khó khăn, vướng mắc về thiếu giáo viên, sĩ số học sinh đông…, Bộ GD&ĐT đề nghị TP Hà Nội quan tâm tháo gỡ để việc thực hiện CT GDPT mới được thuận lợi, hiệu quả hơn.