Hà Nội hướng tới cơ giới hóa đồng bộ các vùng sản xuất tập trung

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố cơ bản được cơ giới hóa đồng bộ.

Rõ hiệu quả, đa lợi ích

Vụ Xuân 2024, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) có hơn 300ha lúa sử dụng máy cấy mạ khay, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Hiện cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy, việc sử dụng máy cấy giúp tăng 40% năng suất và giảm 30% chi phí so với phương pháp cấy lúa truyền thống bằng tay.

Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho rau tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Đức Duy
Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho rau tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Đức Duy

Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp hợp tác xã liên kết với nông dân mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và sản xuất lúa giống cho các công ty giống và nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.

Tại huyện Thạch Thất, vụ Xuân năm nay, huyện hỗ trợ 50% kinh phí cho hợp tác xã nông nghiệp các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Thạch Xá, Hạ Bằng… mua 6 máy cấy bằng nguồn kinh phí cấp bổ sung của thành phố để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, số diện tích gieo cấy vụ Xuân 2024 bằng máy lên gần 400ha, tăng hơn 150ha so với vụ Xuân năm trước.

Ông Nguyễn Bá Trung (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) chia sẻ, đã 10 năm nay ông áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất 40ha lúa từ gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đến gặt đập liên hoàn. Cũng trên diện tích này ông Trung trồng khoai tây vụ Đông Xuân với phương thức trồng, vun xới, dỡ khoai bằng cơ giới hóa, bởi vậy, gia đình ông Trung giảm được một khoản tiền khá lớn thuê nhân công lao động và nâng cao thu nhập của gia đình.

Dỡ khoai tây bằng máy tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc
Dỡ khoai tây bằng máy tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Những năm qua, Hà Nội luôn khuyến khích nông dân, hợp tác xã tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Hiệu quả thực tế đã chứng minh, cơ giới hóa mang lại đa lợi ích khi giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch và bảo đảm tính thời vụ.

Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã hưởng lợi chính sách

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nông dân, hợp tác xã, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nông dân khó tiếp cận với máy móc hiện đại do trong nước chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ nước ngoài nên giá bán cao.

 

Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hóa.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Ngoài ra, do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thiên nhiên, mang tính rủi ro cao, nên chưa thu hút được các hộ cá nhân tham gia vào quá trình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Yên (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) Đỗ Hữu Dự đề xuất, hiện nay, các địa phương rất cần được hỗ trợ thành lập trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu; tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho nông dân sử dụng máy móc, thiết bị, cách sửa chữa máy cấy... Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã trong giải quyết thủ tục hành chính để được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Cụ thể, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo cấy 15%, khâu chăm sóc 60%, khâu thu hoạch 95%...

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân 100% phí quản lý khi mua các loại máy, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố và 100% lãi suất vay theo hợp đồng vay vốn. Về phía các địa phương cần cụ thể hóa chính sách về cơ giới hóa để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất tham gia thực hiện.