Hà Nội kêu gọi Ấn Độ đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ với thế mạnh về công nghệ thông tin đẩy mạnh đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, lĩnh vực được TP đang tập trung thúc đẩy ưu tiên.

Các đại biểu trong buổi tiếp. Ảnh: Tiến Thành
Các đại biểu trong buổi tiếp. Ảnh: Tiến Thành

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh điều này trong buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya vào hôm nay (4/7).

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, tới đây khi chính thức nhận bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ, TP sẽ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để khu vực này hấp dẫn hơn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trước đó trong buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh với chính sách đối ngoại chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, là bạn với tất cả các nước, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ, quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, có vai trò, vị thế cao ở khu vực và trên thế giới.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, trên cơ sở nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” từ tháng 9/2016, hai bên đã phối hợp triển khai đẩy mạnh hợp tác và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: kinh tế-thương mại, văn hóa, giao lưu nhân dân, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, an ninh quốc phòng…

"Sự kiện Ngày hội Yoga quốc tế do Hà Nội và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức từ 2015 đến nay đã thu hút sự tham gia và ủng hộ của đông đảo người dân TP," Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết.

Năm 2022, khách Ấn độ đến Việt Nam là 92.599 lượt khách, trong 4 tháng đầu năm 2023 con số này đã đạt 60.992 lượt, đứng thứ 3 các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội.

Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Tiến Thành
Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Tiến Thành

Khái quát một số thông tin về Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định TP là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi. Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hoá phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, TP còn là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thông tin.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2022, Hà Nội đã thành công trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

GRDP của TP tăng 8,89% (cao hơn bình quân chung của cả nước là 8,02%), là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

6 tháng đầu năm 2023, GRDP ước tăng 5,97% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,72%).Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022; Du lịch và vận tải hành khách phục hồi mạnh; Tổng khách du lịch tăng 42%, khách quốc tế tăng 7 lần.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành TP “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya. Ảnh: Tiến Thành
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya. Ảnh: Tiến Thành

Tại buổi tiếp, Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya khẳng định vai trò ngày càng lớn của Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn ở khía cạnh văn hóa, giáo dục và kinh tế.

Trong bối cảnh đó, ngài Đại sứ bày tỏ vui mừng trước số lượng các doanh nghiệp ngày càng tăng cũng như khách du lịch Ấn Độ đến với Hà Nội.

Đại sứ Arya bày tỏ mong muốn của Chính phủ Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư thương mại với Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực hai bên có năng lực và nhu cầu, điển hình là công nghệ cao, năng lượng, nông nghiệp, và dược phẩm.

Đề cập đến sự gắn kết lâu đời về văn hóa giữa hai nước, Ngài Đại sứ cho biết cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ tại Hà Nội đang ngày càng mở rộng, và kì vọng sẽ sớm vượt qua con số 2.000.

“Điều này cho thấy sự hài lòng của người Ấn Độ đối với điều kiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội, là cơ sở để tiếp tục thu hút ngày càng nhiều du khách Ấn Độ đến với TP,” ngài Đại sứ cho biết.

Đại sứ Arya mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ TP trong việc tổ chức các sự kiện trao đổi văn hóa, bao gồm chiếu phim, giao lưu nhân dân, cho biết đây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ song phương, với Hà Nội đóng vai trò trung tâm.

Đồng tình với các đề xuất của ngài Đại sứ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết TP sẽ ưu tiên các lĩnh vực hợp tác mà hai bên có tiềm năng và nhu cầu, qua đó thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ, cũng như giữa hai thủ đô Hà Nội và New Delhi lên tầm cao mới.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kỳ vọng ngài Đại sứ sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa DN và chính phủ hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường giao lưu và xúc tiến hợp tác.