Hà Nội: Không chủ quan với “nguy cơ chết người” từ bệnh Dại

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua tại Hà Nội đã ghi nhận hai trường hợp bị chó dại cắn. Dù không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng việc chủ động phòng, chống nguy cơ từ bệnh Dại đang đặt ra cấp thiết bởi tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Khống chế kịp thời dịch bệnh

Ngày 2/1/2024, tại địa bàn xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) ghi nhận trường hợp ông Lê Văn C. bị chó cắn gây xước da, chảy máu. Ít ngày sau, con chó bị ốm chết, được gia đình đem đi chôn.

Mẫu bệnh phẩm của con chó đã được lấy để đem đi xét nghiệm. Kết quả phân tích của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xác định mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút Dại.

Tiêm vaccine phòng bệnh Dại trên đàn chó tại huyện Thanh Trì.
Tiêm vaccine phòng bệnh Dại trên đàn chó tại huyện Thanh Trì.

Sau khi bị chó cắn, ông Lê Văn C. đã khẩn trương đi tiêm huyết thanh kháng Dại. Chính quyền địa phương cũng đã rà soát, thông báo để 5 người khác có tiếp xúc với con chó mắc bệnh Dại chủ động đến các cơ sở y tế tiêm phòng vaccine.

Tiếp đó vào ngày 25/1/2024, tại địa bàn xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) ghi nhận trường hợp bị chó cắn, đó là ông Đỗ Phương B. Con chó này sau đó đã được đưa đi lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện dương tính với vi rút Dại.

Chính quyền địa phương đã tiêu huỷ 2 con chó và 1 con mèo của gia đình ông Đỗ Phương B; đồng thời hướng dẫn ông B và những người tiếp xúc với đàn chó, mèo đi tiêm huyết thanh và vaccine phòng, chống bệnh Dại.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn Nguyễn Bá Giang cho biết, các trường hợp bị chó dại cắn tại hai xã Hiền Ninh, Hồng Kỳ đã được phát hiện và xử lý kịp thời, theo đúng quy định phòng, chống dịch.

“Trong quá trình xử lý dịch bệnh, cơ quan chức năng không để phát sinh, lây lan trong cộng đồng. Hiện, cả hai trường hợp bị chó dại cắn đều đã qua 21 ngày. Dịch bệnh đã được khống chế…” - ông Nguyễn Bá Giang thông tin thêm.

Đội bắt chó thả rông tại quận Thanh Xuân.
Đội bắt chó thả rông tại quận Thanh Xuân.

Tăng cường hoạt động “Đội bắt chó thả rông”

Hai trường hợp bị chó dại cắn, xảy ra trong thời gian ngắn tại địa bàn huyện Sóc Sơn cho thấy nguy cơ từ dịch bệnh nguy hiểm này là rất đáng lo ngại và không thể chủ quan. Đặc biệt là khi Hà Nội hiện nay có tổng đàn chó, mèo rất lớn với khoảng 440.000 con.

Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, để chủ động phòng, chống bệnh Dại trên đàn vật nuôi, hàng năm, đơn vị được giao phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác tiêm phòng vaccine. Thống kê đến nay, hơn 90% tổng đàn vật nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ.

Ít nhất hai trường hợp chó dại tại huyện Sóc Sơn nằm trong 10% vật nuôi chưa được tiêm phòng. Điều này cũng phản ánh khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống bệnh Dại, khi số lượng vật nuôi chó, mèo thường xuyên biến động và một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm, có ý thức chủ động khai báo để thực hiện tiêm phòng theo đúng quy định.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thuỷ sản và Thú y Hà Nội cho biết thêm, hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng các vùng an toàn bệnh Dại. Hiện, 10/12 quận nội thành (trừ hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm), đã xây dựng và quản lý tương đối hiệu quả những vùng an toàn bệnh Dại.

Trước nguy cơ từ bệnh Dại đáng lo ngại trên đàn vật nuôi, đầu tháng 3/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký, ban hành văn bản chỉ đạo các sở ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống. Trong đó, đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân về bệnh Dại và các biện pháp xử lý khi bị chó, mèo cắn.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo việc thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động của các “Đội bắt chó thả rông”. Thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi, phối hợp với các sở ngành tiêm phòng bệnh Dại đầy đủ; đồng thời tăng cường các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, mèo và tiêm phòng vaccine Dại. 

 

Bệnh Dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính do vi rút lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu thông qua vết cắn, liếm. Các biểu hiện ban đầu của bệnh Dại gồm cơ thể yếu, sốt và đau đầu. Đây là bệnh nguy hiểm có khả năng gây chết người nếu không được điều trị dự phòng kịp thời.