Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội là thành phố đáng sống

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đô thị hóa luôn là chủ đề gắn liền với sự phát triển từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt là Hà Nội - đô thị đang trong quá trình phát triển nhanh và mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua.

Quá trình này đã dẫn đến sự thay đổi toàn diện về hình thái không gian cũng như đời sống dân cư tại đây. Trước thực trạng này, nhiều người đặt ra câu hỏi điều gì khiến Hà Nội trở nên đáng sống?
Không nhạt phai bản sắc
Hà Nội, một TP nghìn tuổi, đang hội nhập cùng bạn bè thế giới với các phương tiện giao thông tiên tiến, hệ thống cơ sở đường sá mấy tầng nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của mảnh đất là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa xuyên suốt hàng chục thế kỷ. Những di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa cho thấy con người đã xuất hiện ở khu vực Hà Nội từ cách đây 2 vạn năm.
 Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn với du khách quốc tế. Ảnh Phạm Hùng
Cổ Loa được biết đến bởi nơi đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương với tòa thành nổi tiếng. Cổ Loa là kinh đô của nước Âu Lạc chỉ có mấy chục năm, nhưng trong suốt hơn hai nghìn năm, cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, người Việt Nam chưa khi nào quên Cổ Loa.
Cổ Loa hằng tồn trong tâm thức của người dân vùng đất này, hằng tồn trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Đó là hình ảnh nước Âu Lạc buổi đầu dựng nước với biết bao câu chuyện nửa thực nửa hư mà đến nay vẫn còn đọng lại trong ký ức dân gian, ở từng tên xóm ngõ, ở từng tên xứ đồng. Đó là sức sống của bài học lịch sử sớm phải biết tự trưởng thành, nhưng cũng thấm đượm lòng nhân ái mênh mông.
Có thể nói, ở Việt Nam không mấy địa phương (trong phạm vi không gian một xã) là đối tượng của hàng loạt công trình nghiên cứu về địa lý, địa chất, khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử, ngôn ngữ văn hóa… như Cổ Loa.

Tổ chức EIU thuộc Tập đoàn Economist công bố danh sách các TP đáng sống nhất trên thế giới năm 2018. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều nằm trong nhóm 5 nước có sự thăng hạng nhiều nhất trong giai đoạn 5 năm. Điều đó được chứng tỏ ở việc những người đang ở Hà Nội luôn yêu mảnh đất này, đi xa thấy nhớ và đã đến thì muốn quay lại.

Hoàng thành Thăng Long với dấu tích văn hóa từ thời Đại La, Lê sơ, Lê Trung Hưng đến Lý, Trần, Nguyễn... Các dấu tích văn hóa dày đặc còn in dấu ở Hoàng thành Thăng Long -Hà Nội, với các dấu tích hoa chanh, ngói chạm rồng và cung điện… đã chứng tỏ một thời kỳ xuyên suốt của mảnh đất là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa lớn của Việt Nam.
Đi cùng lịch sử, những di tích mãi trường tồn trong lòng Hà Nội, trở thành những điểm đến nổi bật tạo nên nét quyến rũ khó cưỡng. Trong nhiều thế kỷ, Hà Nội tiếp tục xây dựng các ngôi chùa, trong đó một số vẫn tồn tại tới ngày nay. Có thể kể tới các ngôi chùa như chùa Một Cột xây lần đầu năm 1049, chùa Láng từ thế kỷ XII, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên xuất hiện vào thế kỷ XVII… đều là những nét chấm phá để thể hiện một Hà Nội cổ kính.
 Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Xa xa vùng ngoại ô, là những danh thắng nổi tiếng như chùa Hương (Mỹ Đức), làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), hệ thống đền chùa thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tây)… Và dấu tích của thế kỷ thứ XX đó là những công trình mang kiến trúc Pháp thể hiện một giai đoạn Pháp thuộc của Việt Nam như: Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, trường Đại học Tổng hợp (số 19 Lê Thánh Tông)…
Trên thế giới, không ít TP có lịch sử lâu đời, nhưng với nhu cầu đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của con người thời hiện đại, rất nhiều di sản đã bị đập bỏ và thay vào đó là các công trình mới.
Hà Nội ưu tiên bảo vệ các công trình di sản, đặc biệt, là tạo ra các quy chế quản lý riêng cho các vùng trọng điểm, giàu bản sắc như: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận… Việc làm này nhằm giới hạn các kiến trúc cao tầng, các khu vực không được phép dựng biển quảng cáo… để giữ gìn vẻ đẹp và giá trị không gian của Hồ Gươm.
Ngoài ra, dù nhịp sống mới, nhưng người trong từng phường xã vẫn gìn giữ hàng nghìn lễ hội, với những nghi thức độc đáo của từng vùng. Vào dịp đầu năm mới, người dân vẫn đánh trống, thổi kèn khai hội con đĩ đánh bồng ở làng Triều Khúc (Thanh Trì), Hội vật (Hoàng Mai), hội rước Thánh sống (Đông Anh)… để thấy ẩn sâu trong vẻ tấp nập nhộn nhịp của xe cộ, của lối sống là những giá trị tâm hồn, giá trị văn hóa được người dân Hà Nội trân quý và gìn giữ.
Những điểm đến khó quên
Hà Nội không chỉ làm sống dậy các địa danh thuộc về ký ức, mà còn tạo ra các không gian nơi chốn để người dân và du khách có thể trải nghiệm và hưởng thụ. Khởi động từ năm 2004, quận Hoàn Kiếm không ngừng phát triển mở rộng phố đi bộ.
Sau khi thử nghiệm triển khai phố đi bộ Hàng Đào - Chợ đêm Đồng Xuân vào 2 ngày nghỉ cuối tuần từ năm 2004, đến năm 2014, quận Hoàn Kiếm tiếp tục mở rộng không gian đi bộ ra các phố Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ. Ngày 1/9/2016, TP khai trương phố đi bộ 2 ngày cuối tuần quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận. Sau 2 năm (2016 - 2018), quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục lập kế hoạch mở rộng không gian đi bộ.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Xuất phát từ Dự án “Phố đi bộ”, quận Hoàn Kiếm đã hướng tới không gian đi bộ thân thiện an toàn trong phạm vi toàn bộ không gian khụ cận Hồ Gươm, sẽ lan tỏa ra một phần khu phố Pháp.
“Phố đi bộ” đã bổ sung tức thời sự thiếu hụt không gian công cộng của một địa bàn chật hẹp nhất TP, không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng giải trí cho cư dân TP hay gia tăng sinh kế mà còn phát triển các hoạt động cộng đồng có ý nghĩa sâu sắc”.
Nhận thấy lợi ích nhiều mặt, TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã mở rộng không gian phố đi bộ bằng sáng kiến đột phá là thực hiện dự án “Phố nghệ thuật Phùng Hưng”. Đoạn phố Nghệ thuật chỉ chiếm 1/10 chiều dài con phố Phùng Hưng nhưng giờ đây đã là điểm đến ưa thích của cư dân Thủ đô và người dân cả nước.
Trong ngày thường hay phiên chợ hoa Tết, Trung thu… nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt nghệ thuật cộng đồng, mở rộng không gian đi bộ từ khu phố Hàng Buồm, Lãn Ông, Hàng Mã và lan dần sang các khu phố chung quanh.
Người Hà Nội thân thiện và dễ mến
Mới đây trên một trang mạng xã hội, nữ du khách tên là Laura đến từ Pháp đã viết những dòng than thở về thái độ kém thân thiện của người dân Hà Nội. Chị kể về những người bán hàng rong đeo bám để bán những món đồ lưu niệm, những cậu bé đánh giày thu tiền của khách với giá “cắt cổ” và cả những người đạp xích lô kém chân thật. Laura đã viết trên trang cá nhân với nhan đề “Những thành phố kém thân thiện nhất trên thế giới”.
Sau những lời nhận xét của Laura, một vài người đồng tình, cũng nhiều người nước ngoài phản đối. Một độc giả cho biết mình từng đến Việt Nam cách đây 25 năm và nhận thấy đó là nơi đầy ắp tiếng cười và lòng hiếu khách của người Hà Nội, sự tận tình chỉ dẫn của người dân sống xung quanh các khu phố cổ.
Phillip đến từ nước Anh còn nhận xét rằng: Anh đến Hà Nội và chưa bao giờ gặp những chướng ngại vật như Laura mô tả. Phillip thấy rằng, các khách sạn ở Hà Nội ổn định giá cả, mức chi tiêu cũng rẻ, hấp dẫn du khách nước ngoài.
Người Hà Nội dần thấm nhuần 2 quy tắc ứng xử của TP, đặc biệt chú tâm quy tắc ứng xử nơi công cộng, để tạo sự thân thiện, dễ mến. Quận Hoàn Kiếm - khu trung tâm của Thủ đô đã đề ra 5 tiêu chí, tập trung vào 2 tiêu chí cốt yếu: Giao tiếp, ứng xử có văn hóa và tiêu chí có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Ở quận Hoàn Kiếm, 36 phố phường xưa vẫn buôn bán tấp nập, đặc biệt là phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, Hàng Gai, chợ Đồng Xuân... nhưng cách ứng xử trong gia đình và xã hội đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực. Giữa ông bà, con cháu ngày càng mẫu mực; giữa người kinh doanh và khách hàng ít còn hiện tượng cãi vã; giữa bà con lối phố ít xích mích, mâu thuẫn...
Khách đến mua hàng được đón tiếp niềm nở hơn, được tư vấn cụ thể và không hề có lời "mắng mỏ" khi họ chỉ đến xem mà không mua hàng. Người dân phố cổ ngày càng tích cực tham gia tổng vệ sinh vào sáng thứ Bảy hàng tuần, bóc quảng cáo, tờ rơi dán trên tường nhà cũng như khu vực công cộng, không vứt rác bừa bãi ra đường. Không chỉ vùng trung tâm, mà vùng ngoại thành cũng đã lan tỏa nét đẹp của người Tràng An.