Hà Nội: Lo an toàn thực phẩm vì 200 hộ kinh doanh vãng lai tại chợ đầu mối phía Nam

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở NN&PTNT Hà Nội vừa kết thúc giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội).

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, chợ đầu mối phía Nam là chợ đầu mối cấp 1 của TP, hoạt động chủ yếu từ 2h sáng đến 11h trưa hàng ngày, tập trung đông nhất vào lúc 2h - 6h sáng. Chợ có tổng diện tích 38.000m2, trong đó, diện tích kinh doanh là 8.500 m2.
Số lượng quá đông các hộ kinh doanh vãng lai khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Hàng ngày, có khoảng 700 hộ kinh doanh tại chợ. Trong đó, 500 hộ kinh doanh cố định, còn lại khoảng 200 hộ kinh doanh vãng lai. Trung bình mỗi ngày đêm có 10 - 20 xe với sản lượng 200 - 400 tấn hàng hoá, nông sản theo mùa vụ luân chuyển trong chợ.
Đáng chú ý, Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá việc quản lý các hộ kinh doanh vãng lai tại chợ đầu mối phía Nam gặp rất nhiều khó khăn, khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Cùng với công tác quản lý, hoạt động của các các hộ kinh doanh vãng lai còn dẫn đến tình trạng một số xe hàng, hộ kinh doanh bày bán hàng hóa tại khu vực đường đi trước cổng chợ gây nên tình trạng lộn xộn vào cao điểm luân chuyển hàng hoá, nông sản.
Kêt luận của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng ghi nhận tại chợ có hoạt động sơ chế thủy sản tươi sống. Phế phụ phẩm được ban quản lý chợ thu gom hàng ngày. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước chưa tốt nên nền chợ vẫn còn tình trạng đọng nước, vệ sinh chưa đảm bảo.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam định kỳ đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, các hạng mục phục vụ hoạt động kinh doanh tại các khu vực chợ đã xuống cấp. Tăng cường công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho chợ.
Bên cạnh đó, cần giám sát và quản lý, tuyên truyền phổ biến các kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ (đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống dịch bệnh, ghi chép xuất nhập hàng hóa...). Đồng thời, hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện đầy đủ việc ghi chép sổ chợ phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm.