Hà Nội: Mời phụ huynh học sinh tham gia giám sát bếp ăn trường học

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế phối hợp chặt với Sở GD&ĐT để chấn chỉnh các trường học. Cùng đó, các phụ huynh học sinh tham gia giám sát tại các trường học.

Ngày 4/11, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. 

Hà Nội có nên xây dựng trở thành Thủ đô của ẩm thực không?

Đặt câu hỏi đến Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, qua khảo sát cho thấy, người dân lo ngại thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Đề nghị Sở Y tế - cơ quan thường trực chỉ đạo ATTP TP Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) đề nghị lãnh đạo Sở Công thương cần nêu rõ về tình trạng các sản phẩm quá hạn bán tại các siêu thị? đề nghị Sở Y tế cho biết phương án về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đang rất nhiều trên địa bàn TP? 

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) nêu tồn tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ nước giếng để sản xuất trong khi chưa được kiểm nghiệm chất lượng đầu vào, giấy kiểm nghiệm chất lượng đầu vào đã hết hạn. Để xảy ra việc này, đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết trách nhiệm, phương án xử lý và giải pháp khắc phục trong thười gian tới?

Đại biểu cũng cho rằng, lợi thế của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là ẩm thực, vậy Sở Y tế được phân cấp là đầu mối Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP có thể cho biết: "Xây dựng Hà Nội là Thủ đô về ẩm thực hay không, và nếu vậy thì chắc chắn các giải pháp đề ra phải rất quyết liệt trong thời gian tới?".

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ ĐB quận Thanh Xuân) nêu vấn đề kiểm soát ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp vẫn còn tồn tại một số tình trạng khó kiểm soát như không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; nhân viên không khám sức khỏe, không mặc đồng phục, không được tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP; việc lưu mẫu thức ăn chưa đảm bảo đúng quy định. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và trách nhiệm khắc phục các tình trạng nêu trên?

Theo đánh giá của UBND TP, một số bếp ăn bán trú chưa có biện pháp diệt côn trùng, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi xuống cấp, chật hẹp,... “Với thực trạng các bếp ăn chưa đảm bảo như trên thì có nên tồn tại bếp ăn tập thể như thế này nữa hay không. Nếu không chúng ta có giải pháp cung cấp dịch vụ thức ăn tại các khu trường học, các khu tập thể như thế nào?” – ĐB Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Chấn chỉnh công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tai trường học

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền trả lời ý kiến của ĐB Nguyễn Quang Thắng về thực phẩm không rõ nguồn gốc cho biết, thời gian qua, vấn đề thực phẩm an toàn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo quyết liệt, phân cấp rõ trách nhiệm các sở, ngành, quận, huyện.

Qua thực hiện, trách nhiệm của các ngành, quận, huyện tương đối rõ. Đối với các đơn vị công thương, nông nghiệp đã làm tốt truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, các ngành cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị không an toàn.

Đối với ý kiến của ĐB Đỗ Thùy Dương, thực phẩm chức năng còn có khó khăn, việc quản lý có tồn tại. Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, các thông tin quảng cáo trên báo chí cũng cần phản kiểm soát chặt, không để tình trạng quảng cáo vượt quá mức.

Đối với ý kiến của ĐB Nguyễn Minh Đức về bếp ăn tập thể. Đối với bếp ăn ở các khu công nghiệp, có 165 bếp ăn ở 9 khu công nghiệp, cung cấp 68.000 suất ăn (tự nấu chiếm khoảng 20% và thuê nhà thầu nấu chiếm khoảng 80%). Hiện vẫn còn một số cơ sở không đảm bảo điều kiện, xuống cấp, còn ẩm mốc, sắp xếp kho bãi không gọn gàng, truy xuất nguồn gốc chưa đảm bảo.

Giải pháp trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền tại các khu công nghiệp, tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, tập huấn cho các DN, KCN. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, diễn tập phòng chống ngộ độc số lượng người lớn.

Đối với bếp ăn các trường, toàn TP có 4.534 bếp ăn tập thể, tại các trường bán trú, mầm non, tiểu học… Với sự chỉ đạo quyệt liệt của TP, quận, huyện, các trường đã chấn chỉnh công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn. Sở Y tế phối hợp chặt với Sở GD&ĐT để chấn chỉnh các trường học. Cùng đó, các phụ huynh học sinh tham gia giám sát tại các trường học.

Đối với ý kiến của ĐB Phạm Đình Đoàn về nước đóng chai, đóng bình, nước khoáng, hiện toàn TP có 425 cơ sở. Nguồn nước sử dụng phần lớn là nước máy TP, một số nơi dùng giếng khoan. Một số nơi làm sạch trong bình, nhưng vệ sinh ngoài bình chưa đảm bảo, chưa đảm bảo được vệ sinh nước đóng bình, đóng chai.

Về các giải pháp, cần tiếp tục tuyên truyền, nếu không đảm bảo, sản phẩm sẽ không được chấp nhận. Đồng thời, chúng tôi kiên quyết xử lý, công khai các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình không đạt yêu cầu trên trang web của TP, Sở Y tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần