Bảo đảm đối tượng chính sách được miễn, giảm học phí

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 29/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức giao ban báo chí về kết quả năm học 2017 – 2018 và công tác chuẩn bị cho năm 2018 – 2019. Tại buổi giao ban, đã có rất nhiều câu hỏi của báo chí trước thềm năm học mới đã được lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội giải đáp.

 Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trả lời những thắc mắc của báo chí trước thềm năm học mới 2018 – 2019.
Chất lượng giáo dục được đảm bảo
Theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội Hoàng Hữu Trung, năm học 2017 – 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thủ đô cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2017 là 80/130 trường, đạt 162,5% kế hoạch và nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia toàn TP lên 52% (trong đó công lập đạt 62%).

Đặc biệt, trong năm học 2017 – 2018, Hà Nội đã chú trọng và tiếp tục triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh” nhằm hướng dẫn kỹ năng sống có văn hóa cho học sinh phổ thông; định hướng, chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, ứng sử cho học sinh. Từ việc giảng dạy này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh của Thủ đô…

Cũng theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học 2018 - 2019, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của TP đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học với kinh phí khoảng 3.276 triệu đồng. Đối với khối trực thuộc đã thành lập mới 7 trường THPT. Ngoài ra, toàn TP đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa với kinh phí khoảng hơn 1.846 triệu đồng…
Tăng học phí phải phù hợp đời sống của người dân

Về dự kiến tăng học phí trong năm học 2018 – 2019, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn cho biết, Sở GD&ĐT đã có tờ trình TP phương án tăng học phí dựa trên các nguyên tắc phải phù hợp đời sống người dân trên địa bàn, theo đúng lộ trình được HĐND TP đề ra và đảm bảo đầu tư tốt hơn cho giáo dục. Bởi, học phí của Hà Nội hiện còn thấp hơn nhiều tỉnh TP khác và mức tăng được đề xuất bằng khoảng 2% mức thu nhập của người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Cẩn, mức tăng học phí dự kiến trong năm học mới với khối các trường nội thành là 155.000 đồng/học sinh/tháng, học sinh nông thôn 75.000 đồng/học sinh/tháng với, học sinh miền núi 19.000 đồng/học sinh/tháng. Các trường không được giữ lại toàn bộ học phí thu được mà phải nộp về TP 60% để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đảm bảo tất cả đối tượng chính sách được hưởng miễn giảm học phí.

Đối với câu hỏi về áp lực tuyển sinh đầu cấp vào lớp 6 và 10 trên địa bàn, Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý thi và kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho biết, học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay tăng 22.000 học sinh. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có 94.499 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 (giảm 10.000 học sinh so với thống kê trước đó). Bởi, sau khi cho phép các trường ngoài công lập và công lập tự chủ tuyển sinh từ học bạ THCS nên nhiều học sinh không đăng ký dự thi vẫn có chỗ học. Riêng với tuyển sinh lớp 6 vào các trường đặc thù, việc học thêm không hiệu quả với bài đánh giá năng lực và các quận, huyện cũng đã báo cáo phương án xét tuyển của các trường trên địa bàn...