Hà Nội nên có một bảo tàng đô thị cũ

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Những ngôi nhà cổ xưa đã gắn bó với tiềm thức của người dân Thủ đô, chứa trầm tích của nhiều thế hệ. Vậy mà giờ đây đã biến mất gần như vĩnh viễn” - đó là trăn trở của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tại triển lãm “Kiến trúc sư Hà Nội với Hà Nội” diễn ra mới đây.

Nguyễn Thế Sơn cho rằng những khối kiến trúc cổ xưa hay các khu tập thể cũ dần biến mất để thay thế bằng những dãy nhà cao tầng còn là thực trạng đáng báo động cho cảnh quan của Hà Nội ngàn năm.
Tập thể cũ dần trôi

Với những người thuộc thế hệ 5x, 6x, hình ảnh lưu lại trong họ những năm giữa thế kỷ XX là khu tâp thể 4 - 5 tầng mọc lên ở Kim Liên, Phạm Ngọc Thạch, Nghĩa Tân, Nguyễn Quý Đức… Những năm đó, người dân chuộng ở tầng cao.
 Tác phẩm “Tập thể Nội Thương” của họa sĩ Thế Sơn gây tiếng vang lớn tại triển lãm.
Về sau, tầng 1 của khu tập thể lại là địa điểm lý tưởng để mở cửa hàng buôn bán. Nhà mở hàng tạp hóa, nhà mở hàng ăn; có nhà lại cho thuê mở trò chơi điện tử hoặc thời trang. Dân số khu tập thể cũ tăng lên theo cấp số nhân, sự sầm uất biến mỗi khu trở thành một đô thị thu nhỏ. Nhưng rồi hơn 10 năm trở lại đây, chuồng cọp, hay nhịp sống của hơn 10 nhân khẩu trong căn hộ rộng chỉ hơn 30m2 thành ký ức. Khu tập thể cũ dần bị thay thế bằng chung cư cao tầng, có nơi “vỏ” tập thể cũ vẫn còn vì dân đã di cư. Số lượng các khu tập thể còn lại rất ít, hầu hết đã xuống cấp hoặc sửa chữa.

Phố cổ Hà Nội cũng biến đổi ít nhiều. Nhiều căn nhà ống cũ trên phố với lối kiến trúc độc đáo từ thời Pháp thuộc bị đập đi, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng lòe loẹt phục vụ kinh doanh và du lịch. Đình chùa cũng bị bó hẹp theo kiểu “tấc đất tấc vàng”. Qua khảo sát hơn 70 ngôi đình trên địa bàn TP, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận thấy, nhiều ngôi đình đã bị biến mất, nhiều chỗ đã mất hẳn phần dưới, chỉ còn phần trên; có những ngôi đình bị bó hẹp như đình ở Lò Rèn, Hàng Quạt, Hàng Thiếc… “Khi tôi đi xa Hà Nội trở về, cảm giác đầu tiên là giật mình khi thấy trên những con đường đi ra sân bay là vô số biển quảng cáo trên đường phố. Con đường hiện đại cũng là những dấu hiệu thay đổi trong nét văn hóa truyền thống của đất Kinh kỳ” - Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.

Trân trọng những kiến trúc cũ

Theo Nguyễn Thế Sơn, một trong những lý do làm biến mất những công trình kiến trúc văn hóa cổ của Hà Nội là tâm lý người làm quá ích kỉ, chỉ quan tâm tới chuyện làm nhà và kiếm lợi cho bản thân. Giá trị mặt tiền, tức là giá trị về mặt kinh tế hiện nay đang là ưu tiên hàng đầu trong quan niệm của nhiều người. Chính điều này đã làm mất đi những giá trị văn hóa vốn làm nên bộ mặt Hà Nội xưa.

“Tôi thấy buồn vì ở nước ta, những ngôi nhà tập thể cũ đã không giữ được. Lẽ ra phải giữ lại một vài khu chính, dần biến đó thành những điểm đến hoặc bảo tàng” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ. Theo anh, cần trân trọng, giữ gìn những kiến trúc cũ bằng cách phát triển và xây dựng chúng thành những điểm nhấn thu hút con cháu đến tìm hiểu. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng sau này phải đi đến điểm chung là đặt yếu tố con người lên hàng đầu.

Nói thêm về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ, Hà Nội chưa bao giờ có khối lượng và tốc độ xây dựng các công trình kiến trúc nhanh như hiện tại. Một năm Hà Nội xây dựng trên diện tích khoảng 12 triệu mét vuông, bằng con số của 100 năm lịch sử từ 1900 đến 2000, nên rất cần sự chung tay của các KTS. Sự lớn mạnh của các khu buôn bán, các dãy nhà kinh doanh cao tầng đang là vấn đề lớn cần sự vào cuộc không chỉ của riêng một cá nhân nào, mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đó là điều mà giới KTS mong muốn gửi gắm khi nghĩ và cống hiến vì Hà Nội.