Hà Nội phủ kín mạng lưới cấp nước sạch ngoại thành: Đích đến không còn xa

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang hướng tới mục tiêu 100% người dân được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt. Nhìn vào những nỗ lực không ngừng của chính quyền, cộng đồng DN và Nhân dân TP những năm gần đây, có thể thấy mục tiêu đó không còn xa nữa.

 Vận hành trạm cấp nước sạch liên xã Trung Hòa - Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng
Phát triển cả về lượng và chất

Nước sạch sinh hoạt là một trong những nhu cầu tối quan trọng của Nhân dân Thủ đô. Trong giai đoạn đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ vừa qua, Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này. Trong đó, TP đã có nhiều giải pháp đột phá, mang tính chiến lược, bền vững để tháo gỡ những khó khăn nội tại như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, chậm phát triển; nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt và có dấu hiệu ô nhiễm; nguồn vốn đầu tư eo hẹp…
Hiện 100% người dân khu vực nội thành (khoảng 3,4 triệu người) đã được sử dụng nước sạch với tiêu chuẩn 120 - 150 lít/người/ngày. Đặc biệt, 55,5% người dân khu vực nông thôn, ngoại thành đã được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch với tiêu chuẩn từ 50 - 70 lít/người/ngày. Năm 2019, TP đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên 73 - 75%.

Một trong những giải pháp được giới chuyên gia đánh giá cao là chủ trương xã hội hóa phát triển hệ thống cấp nước. Tính đến năm 2019, TP đã kêu gọi được 23 nhà đầu tư, triển khai 34 dự án cấp nước, nguồn nước và mạng lưới. Nhiều dự án lớn đã bước vào giai đoạn khai thác, nâng công suất cung cấp nước sạch cho TP từ 1.000.000 - 1.335.000m3/ngày đêm. Hệ thống cấp nước trên địa bàn TP đã từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Hạ tầng kỹ thuật mạng lưới cấp nước dần từng bước được cải tạo, phát triển theo đúng quy hoạch. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn TP giảm từ 24% xuống còn 18%. So với trước đây, số lượng DN tham gia vào khai thác, kinh doanh, cung cấp nước sạch từ nguồn cho đến mạng lưới đã tăng gấp hơn 4 lần. Thị trường nước sạch của Hà Nội đã trở nên sôi động và có tính cạnh tranh hơn bao giờ hết, góp phần quan trọng thúc đẩy các nhà sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng nước sạch sinh hoạt phục vụ Nhân dân Thủ đô.

Thử thách còn phía trước

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Ví dụ như việc tăng sản lượng nước, phân phối nguồn nước trên địa bàn TP hiện còn chưa cân đối với phát triển mạng lưới cấp nước theo quy hoạch và nhu cầu thực tiễn. Chất lượng nước tại các nhà máy sản xuất nước ngầm, nước mặt của Hà Nội đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuy nhiên, quá trình lưu thông trên mạng lưới, đường ống, qua các bể chứa, trạm bơm, nhất là ở các khu chung cư cao tầng, khu đô thị mới có nguy cơ tái ô nhiễm cao. Nhiều khu dân cư cũ như Thành Công (Ba Đình); Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân)… hệ thống đường ống cấp nước được lắp đặt từ vài chục năm trước đã hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy, nguồn nước sạch cấp phát đến các khu vực này thường có tỷ lệ thất thoát và nguy cơ tái ô nhiễm cao.

Tại nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng, do mạng lưới nội bộ được các chủ đầu tư tự thi công, đơn vị cung cấp nước sạch chỉ có nhiệm vụ đấu nối đến hàng rào. Nhiều khu vực mạng nội bộ không được đầu tư đúng mức, không đủ công suất cấp đến toàn bộ dân cư, hoặc bể chứa, trạm bơm không được vận hành, duy tu, duy trì theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, giá nước sinh hoạt tại Hà Nội (bình quân 9.435 đồng/m3) chưa phản ánh hết giá thành chi phí sản xuất, thậm chí còn thấp hơn nhiều tỉnh, thành phụ cận.

Tại khu vực nông thôn, nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tỷ lệ người dân nông thôn đấu nối và sử dụng nước sạch còn thấp trong khi chi phí đầu tư rất lớn. Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội Nguyễn Đình Hà bộc bạch: “Suất đầu tư cho nước sạch nông thôn cao hơn nội thành do địa bàn rộng hơn, dân cư thưa thớt hơn, có khi cả một tuyến ống chỉ để phục vụ vài hộ, nhưng giá nước lại chỉ khoảng 6.000 đồng/m3, thấp hơn nhiều khu vực nội thành”. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu hồi vốn, sinh lời và đặc biệt là nguồn lực tái đầu tư, duy trì hệ thống của các DN.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Nắm bắt được những khó khăn, hạn chế mà DN gặp phải trong quá trình đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước, chính quyền TP đã có nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời. Cụ thể, UBND TP đã yêu cầu Sở Xây dựng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc của các dự án đã được giao triển khai thực hiện liên quan đến quy hoạch, cập nhật bổ sung các dự án mạng, nguồn đang triển khai thực hiện theo chủ trương đã được UBND TP chấp thuận vào điều chỉnh quy hoạch cấp nước.

UBND TP cũng giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp, rà soát các Quyết định của UBND TP về giá nước sinh hoạt; đề xuất, báo cáo phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn TP. Đồng thời tham mưu cho TP biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nước sạch tại khu vực ngoại thành; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện phương án huy động người dân đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ và khấu trừ vào tiền nước sử dụng. Rà soát cơ chế chính sách về việc hỗ trợ nhà đầu tư lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, đề xuất UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy, trình HĐND TP quyết định tại kỳ họp dự kiến vào tháng 7 tới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền TP, các DN cũng cần tự ý thức, nâng cao trách nhiệm của mình. Chủ động tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cấp nước đã được TP giao. Đồng thời cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành hệ thống để giảm thiểu chi phí, lượng nước thất thoát, nâng cao tối đa hiệu quả cung cấp cho người dân. Cùng đó, Nhân dân Thủ đô cũng cần chung tay, cộng đồng trách nhiệm, sử dụng một cách tiết kiệm, thông minh và có ý thức bảo vệ hạ tầng kỹ thuật mạng lưới nước sạch Hà Nội.