Còn nhiều vướng mắc
Hiện nay, tại các TP lớn trong đó có Hà Nội với hàng trăm các dự án xây mới, cải tạo, phá dỡ các tòa nhà, quá trình xây dựng nhà ở tại các khu dân cư. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có thêm hàng chục nghìn tấn RTXD bị thải bỏ ra môi trường.
Theo đó, trung bình mỗi ngày tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 2.500 - 3.000 tấn RTXD, nhưng chỉ một số lượng ít được đưa vào các bãi chôn lấp, còn lại những đống RTXD tự phát xuất hiện bên vệ đường, trên các khu đất trống, ven sông hồ là thực trạng thường thấy tại các khu dân cư trên địa bàn các quận, huyện của TP.
Không những vậy, nhiều hộ dân khi thực hiện tháo dỡ, sửa chữa các công trình xây dựng đã đổ lẫn RTXD với rác sinh hoạt hàng ngày hoặc thuê đội ngũ đồng nát vận chuyển mà không quan tâm đến việc RTXD sẽ được bỏ đi đâu. Điều này gây khó khăn cho hoạt động thu gom và xử lý rác thải của các đơn vị môi trường đô thị.
Theo chia sẻ của một công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), trong quá trình thu gom rác thải thường xuyên gặp những bao tải, bao trạc của rất nhiều hộ gia đình sau khi họ thu dọn sửa chữa nhà ở.
“Nếu chúng tôi thu gom thì không đúng quy định nhưng không thu gom nhếch nhác trên vỉa hè, đường phố" - nữ công nhân vệ sinh môi trường cho hay.
Những bãi RTXD tự phát xuất hiện bên vệ đường, những bãi đất trống... là thực trạng thường thấy tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Hà Ánh) |
Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP chưa thực sự quyết liệt, thiếu sự giám sát trong công tác thu gom, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm về đổ phế thải.
Tại tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chạy qua địa phận xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) tình trạng đổ trộm RTXD tại khu đất trống sát đường vẫn tiếp tục tái diễn. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên, nhưng lại chưa thường xuyên và không đem lại hiệu quả.
Một số ý kiến của các chuyên gia môi trường cho rằng, để hạn chế tình trạng đổ RTXD tự phát, hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường, chính quyền các địa phương cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa khi cấp phép các công trình xây dựng, yêu cầu các nhà thầu chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về xử lý RTXD, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc trong việc xử lý RTXD trên địa bàn Hà Nội là thiếu điểm tập kết. Đan Phượng là một trong những huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhất là hoàn thành những tiêu chí còn thiếu để từng bước chuyển đổi từ huyện lên quận, nên hoạt động xây dựng ngày càng phát triển mạnh. Khối lượng RTXD thải ra môi trường cũng nhiều hơn và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.
Chia sẻ về tình hình xử lý rác thải tại địa phương, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho biết, toàn huyện có 18 điểm trung chuyển và 2 nhà máy xử lý rác thải, nhưng chỉ nhận xử lý rác thải sinh hoạt. Việc quản lý RTXD trên địa bàn huyện trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là xử lý RTXD từ công trình nhà ở của người dân.
Hiện nay, Đan Phượng chưa có khu tập kết và xử lý RTXD đúng quy hoạch. Chính quyền địa phương chủ yếu tuyên truyền người dân phá dỡ, thu dọn rác thải đúng quy định, mặt khác hướng dẫn người dân tái sử dụng phế thải làm vật liệu san lấp mặt bằng, nâng nền hoặc lấp ao. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng đổ RTXD không đúng nơi quy định, đổ trộm ra đường giao thông, vỉa hè, đất nông nghiệp… gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo an toàn giao thông.
Với thực trạng RTXD như hiện nay, nếu không nhanh chóng có những biện pháp quản lý việc thu gom, xử lý RTXD, các đô thị có thể trở thành những bãi phế thải xây dựng khổng lồ, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, đe dọa đến sức khỏe người dân đô thị.
Tối đa hóa tái chế, tái sử dụng
Cùng với các giải pháp căn cơ như nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, xây dựng khu tập kết và xử lý RTXD… Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca - Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để giảm thiểu phát sinh RTXD và hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường thì giải pháp tái chế, tái sử dụng RTXD là một giải pháp lâu dài và bền vững. Giải pháp này vừa có thể hạn chế lượng chất thải và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vừa có thể tận dụng những giá trị tài nguyên sẵn có bởi trong RTXD có nhiều nguyên vật liệu có khả năng tái chế, tái sử dụng cao như kim loại, gạch, bê tông…
Tuy nhiên, để làm được điều này trước hết cần phải coi RTXD là một nguồn tài nguyên. Chỉ khi, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà thầu xây dựng, đơn vị thu gom coi RTXD là nguồn tài nguyên, thấy được lợi ích từ RTXD, từ đó sẽ tìm kiếm và đưa ra những giải pháp để tái sử dụng hoặc tái chế nó thành những sản phẩm có giá trị kinh tế và lợi ích cho môi trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những quy định tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải rắn, xây dựng và phát triển thị trường và kinh doanh chất thải.
“Cùng với đó, có những cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hoạt động tái chế và quản lý RTXD, phát triển ngành công nghiệp tái chế. Việc tái chế RTXD cần được xây dựng chặt chẽ ngay từ các khâu phá dỡ, thu gom, vận chuyển và xử lý” - PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết.
Đồng quan điểm trong việc hạn chế và kiểm soát lượng RTXD, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng động Trần Thị Hương cho rằng, ngoài việc giám sát chặt chẽ hoạt động thu gom, vận chuyển RTXD, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, về các điểm tập kết, thu gom, nâng cao nhận thức của các chủ nguồn thải về giá trị và những lợi ích tiềm năng từ RTXD, từ đó mới từng bước cải thiện tình trạng đổ trộm RTXD tự phát.
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP có 18 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có 6 khu đang hoạt động, hai khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 10 khu đầu tư xây dựng mới. |