Hà Nội ráo riết phòng, chống sốt xuất huyết

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 27 quận, huyện đều ghi nhân ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với hơn 150 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nếu không làm tốt công tác phòng chống, rất có thể dịch sẽ bùng phát trong thời gian tới.

 Diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết tại quận Đống Đa. Ảnh: Nam Trần
Giám sát chặt địa bàn trọng điểm

Tại quận Hà Đông, đã có 13 trường hợp SXH, và luôn là địa bàn trọng điểm có số ca mắc cao. Phường Phú Lương có nhiều ổ dịch. Ông Dương Ngọc Thỏa - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương cho biết, phường có 22 tổ dân phố, dân cư đông đúc. Cùng với đó, một số người dân còn lơ là, chủ quan trong việc tổng vệ sinh môi trường, đi ngủ không mắc màn, nên trong năm qua, phường có 55 trường hợp mắc. Trong 3 tháng đầu năm, địa bàn đã ghi nhận 4 ca SXH. Phường đang tiếp tục các chiến dịch vệ sinh môi trường, vận động người dân cùng vào cuộc. “Chúng tôi đã chủ động phân công cán bộ y tế, cán bộ tổ dân phố, các chi hội, đoàn thể phụ trách tiếp tục đến vận động và thực hiện vệ sinh môi trường không bỏ sót gia đình nào, đặc biệt gắn trách nhiệm cho từng cán bộ về kết quả thực hiện” - ông Thỏa nhấn mạnh.

Trước nguy cơ dịch có thể bùng phát trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh yêu cầu TTYT quận Hà Đông chủ động giám sát véc-tơ, ưu tiên giám sát những nơi trọng điểm. Đặc biệt khởi động lại đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và tổ giám sát phòng chống dịch SXH sẵn sàng đáp ứng khi có dịch.

Tương tự, huyện Quốc Oai cũng đã ghi nhận 1 ổ dịch SXH. Đến thời điểm này, TTYT huyện đã thành lập 2 đội cơ động phòng chống dịch, 1 đội xung kích diệt bọ gậy, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn và hỗ trợ các xã, thị trấn.

Tại quận Thanh Xuân, là địa bàn có mật độ dân cư đông, có nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, làm ăn sinh sống, điều kiện sống không ổn định dẫn đến tình trạng vệ sinh môi trường phức tạp. Vì vậy, việc phòng bệnh tại đây được chú trọng. Theo đó, 72/72 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn đã được phun hóa chất, khử khuẩn bằng Cloramin B; 13/53 ổ dịch SXH cũ năm 2018 được giám sát. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh luôn đảm bảo về nhân lực, trang thiết bị, hóa chất, bảo hộ, dụng cụ, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Cũng như các địa phương, huyện Sóc Sơn cũng tập trung cao cho công tác phòng chống SXH. TTYT huyện thành lập đoàn kiểm tra tất cả các ổ dịch cũ và các điểm nguy cơ như các công trình xây dựng, khu công cộng, nhà trọ... nhằm đánh giá yếu tố nguy cơ, tiến hành phun xử lý môi trường diệt muỗi trưởng thành. Bên cạnh đó, 26 xã, thị trấn trên địa bàn hằng tuần đều tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH. Đặc biệt, tại các xã có nguy cơ cao như Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Mai Đình, Quang Tiến..., ngoài việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy còn phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Quan trọng là ý thức người dân

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, năm nay mặc dù không phải năm dự báo có dịch lớn nhưng nguy cơ mắc SXH vẫn rất cao do khí hậu thời tiết thuận lợi cho virus và muỗi truyền bệnh tồn tại và phát triển. Cụ thể, hiện tượng El Nino, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 và dự báo đến tháng 6/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn... Tỷ lệ mắc SXH cao sẽ tập trung ở các khu vực mật độ dân cư đông, các khu lao động, khu công nhân và sinh viên thuê trọ. Vì vậy, phòng chống SXH vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại các địa phương.

Cũng theo ông Cảm, để chủ động phòng chống dịch, Trung tâm đã rà soát bổ sung đầy đủ các trang thiết bị, máy móc, hóa chất đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH. Ông Cảm đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các quận, huyện, tuy nhiên vẫn còn một số địa bàn, chính quyền địa phương chưa vào cuộc tích cực, vẫn có tâm lý khoán trắng cho ngành y tế. Đặc biệt, ý thức nhiều người dân chưa cao, chưa chú ý phòng dịch ngay ở từng hộ gia đình.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, Việt Nam hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Do SXH chưa có vaccine phòng, nên ngành y tế khuyến cáo người dân cần diệt nguồn lây truyền bệnh như diệt lăng quăng, diệt muỗi, thường xuyên thay nước ở các bình hoa, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến…