Hà Nội sẵn sàng ứng phó thiên tai phức tạp, khó lường trong năm 2022

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/5, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại diện nhiều sở ngành, địa phương...

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Chu Phú Mỹ, năm 2021, TP chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão. Đặc biệt trong tháng 10/2021, xuất hiện liên tiếp cơn bão số 7 và 8, gây mưa lớn nhiều ngày trên địa bàn TP.

Trên sông Đáy, sông Tích, sông Bùi đã xuất hiện các đợt lũ, với biên độ lũ lên gần mức báo động III. Nhiều sự cố sụt lún đê điều, hư hỏng công trình thuỷ lợi đã xảy ra tại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Quốc Oai, Chương Mỹ…

Cũng trong năm 2021, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 15 đợt mưa với tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 219,2 - 695mm. Ngoài ra, TP còn chịu tác động của 15 đợt không khí lạnh và 9 đợt nắng nóng (trong đó có đợt nắng nóng gay gắt từ ngày 30/5 - 3/6/2021), gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Đánh giá chung của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2021 có sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Từ đó đã giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân so với năm 2020. Dù vậy, diễn biến thời tiết, thủy văn trong năm 2022 vẫn hết sức đáng lo ngại.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy cho biết, tình hình thiên tai năm 2022 có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, nắng nóng, mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn… có thể xảy ra, gây ngập úng cục bộ cho các khu vực đô thị, vùng trũng thấp.

Khu vực Đồng bằng Bắc bộ (bao gồm cả TP Hà Nội) có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Mùa mưa đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Toàn mùa có khả năng xuất hiện 6 - 8 đợt mưa lớn diện rộng, tập trung từ tháng 6 - 9/2022. Toàn mùa cũng sẽ có 6 - 8 đợt nắng nóng kéo dài từ 1 - 2 ngày trở lên…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở ngành, địa phương, cần chuẩn bị kỹ phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức diễn tập nhuần nhuyễn, tránh bị động khi có sự cố thiên tai. Chủ động dự trữ vật tư, lương thực, tuyệt đối không để “nước đến chân mới nhảy” trong triển khai kế hoạch ứng phó thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở ngành, địa phương thống kê, rà soát chặt chẽ vi phạm về đê điều, công trình thuỷ lợi; xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp đối với công tác giám sát, xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền.

Trước hiện trạng một số đơn vị, địa phương còn chủ quan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh cần tuyệt đối tránh tâm lý này trong ứng phó, nhất là khi thiên tai được nhận định còn phức tạp, khó lường. Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở đơn vị cấp dưới thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở ngành, địa phương, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; thường xuyên rà soát các điều kiện vật tư, phương tiện, lực lượng; đồng thời tổ chức ứng trực 24/24 giờ trong cao điểm mưa lũ để ứng phó kịp thời sự cố thiên tai…