Hà Nội sau 10 năm mở rộng: Bộ mặt đô thị, nông thôn nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 24/5, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội thảo tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại (giai đoạn 2008 – 2018) và định hướng nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của TP Hà Nội.

Dự Hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; các Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản; đại diện các bộ, ngành, cơ quan T,Ư, Ủy ban của Quốc hội; các nhà khoa học...
  Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội thảo
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội đã được UBND TP tổ chức hội thảo xin ý kiến đóng góp tại 2/5/2018. Tại hội thảo các ý kiến đều thống nhất ý kiến về bố cục báo cáo và đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội của TP trong năm 10 năm qua. Một số ý kiến cho rằng cần bổ sung, đánh giá việc hành thành các khu chức năng, các khu đô thị vệ tinh theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Làm rõ những thuận lợi cơ bản và khó khăn trước mắt khi triển khai thực hiện nghị quyết; Bổ sung việc xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Báo cáo được chỉnh sửa, bổ sung đánh giá các nội dung về mục tiêu và yêu cầu phát triển không gian của Hà Nội. Ngoài ra, bổ sung một số nhiệm vụ trong thời gian tới về thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo lao động chất lượng cao, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục phát triển các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ phục vụ cho điều hành quản lý các cơ quan TP và phục vụ nhân dân Thủ đô.
Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch UBND TP mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, đánh giá thẳng thắn, khách quan toàn diện của các chuyên gia về công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo TP về việc thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020. Qua đó, TP sẽ tiếp thu và tập hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị để xem xét, định hướng trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.
Trình bày báo cáo của UBND TP tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ và các đoàn thể TP đã quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết; ban hành chỉ thị, kế hoạch hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết; tích cực tuyên truyền tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô và dư luận xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chương trình công tác lớn của cấp ủy.
Các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, chế độ,… được rà soát, điều chỉnh ban hành thực hiện thống nhất trên địa bàn mới mở rộng theo hướng bảo đảm cao nhất cho người thụ hưởng; chuẩn nghèo và một số mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội được nâng lên và cao hơn mức chung toàn quốc; tiếp nhận bàn giao và quản lý địa giới hành chính; thực hiện quản lý theo phương châm linh hoạt, hiệu quả, xử lý tốt các vấn đề phát sinh: cấp đổi con dấu, quản lý nhân hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, biển số xe,…; sắp xếp, tổ chức bộ máy (luân chuyển trên 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành uỷ quản lý về làm Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các quận, huyện, thị xã); bảo đảm tập trung dân chủ, không cục bộ địa phương; rà soát 1.482 văn bản quy phạm pháp luật; ngay trong năm 2009, đã rà soát thẩm định hơn 400 thủ tục hành chính.
TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; rà soát 642 đồ án, dự án đầu tư; tổ chức đánh giá thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020; phối hợp các cơ quan Trung ương xây dựng Luật Thủ đô, trình Quốc hội thông qua để triển khai thực hiện.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, không gian sản xuất kinh doanh được mở rộng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (cách tính cũ là 9,51%), nhiều chỉ tiêu tăng gấp từ 2 đến 3 lần (GRDP/người tăng 2,3 lần; thu nhập bình quân/người/năm của nông dân tăng 2,92 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần,…), tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.
Giá trị văn hoá truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hoá Tràng An, văn hoá xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy, lan tỏa. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức thành công, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội, tạo ấn tượng tốt trong nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. An sinh xã hội được bảo đảm: 8.211 ngôi nhà cho người có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa; tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.046 hộ nghèo; ban hành và thực hiện các kế hoạch riêng về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Ngay sau hợp nhất, TP đã quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới; sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học nhờ, học tạm, phòng học xuống cấp. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hóa, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đạt 62%. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện T.Ư và khu vực được đưa vào sử dụng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công được đẩy mạnh.
 Toàn cảnh hội thảo
Không gian đô thị phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo nên diện mạo mới sau 10 năm phát triển. Ngay khi hợp nhất, Thành phố đã tổ chức rà soát 642 đồ án, dự án trên địa bàn mở rộng, kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng, đề xuất dừng, giãn và hoãn, chuyển đổi mục đích đầu tư các dự án không phù hợp quy hoạch. Đến nay, đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung và phân khu; 136 đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, các dự án hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị.

Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, VinHome RiverSide về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc;… cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như RoyalCity, TimesCity, Trung hòa Nhân Chính,… đã tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển. Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; kêu gọi đầu tư phát triển Thành phố thông minh khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu, được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Trong 10 năm qua, đã hoàn thành 223 km đường xây mới; Nhiều công trình ghi dấu ấn 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội: đường Láng – Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy,... Các công trình giao thông trọng điểm: đường vành đai 2 Nhật Tân - Cầu giấy, Đường 5 kéo dài, Cầu Nhật Tân;… Đã hoàn thành 09 cầu vượt nhẹ trực thông tại các nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn, tắc; Xây dựng mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui dân sinh. Thành phố đang phối hợp thực hiện các dự án trên địa bàn (cầu Việt Trì - Ba Vì, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2A,...), đồng thời đẩy nhanh các dự án trọng điểm: Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; Tuyến đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Vĩnh Tuy; Cải tạo, nâng cấp Quốc Lộ 6 đoạn qua Thị trấn Chúc Sơn; Triển khai thủ tục đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị: Tuyến số 5, số 2 và số 3.

Xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, chiếu sáng đô thị - nông thôn, cải tạo hồ nước,…

Hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% - dẫn đầu cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường mở rộng. Tổ chức bộ máy các cấp chính quyền đi vào ổn định, kinh tế - xã hội duy trì phát triển toàn diện, hiệu quả. Vai trò, vị trí của Thủ đô với cả nước ngày càng quan trọng. Thực tế phát triển của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Từng bước xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố thông minh

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, về kinh tế, nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Khuyến khích, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, sinh thái, sạch, công nghệ cao. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ tại chỗ. Thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao đáp ứng phục vụ các ngành công nghệ, kỹ thuật cao. Phấn đấu mức tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018 - 2020 đạt trên 7,4%/năm (cách tính mới) trở lên; GRDP năm 2020 đạt trên 126 triệu đồng/người/năm.

- Về văn hóa - xã hội, phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ thực sự trở thành những trung tâm lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và sự phát triển chung của vùng và cả nước. Phát triển văn hoá xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến. Xây dựng các điểm vui chơi, giải trí gắn với thu hút khách du lịch. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học. Hình thành và phát triển các đô thị đại học theo quy hoạch (Hòa Lạc), các trường đại học trọng điểm, các cụm trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tại các đô thị vệ tinh.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ – QH12 của Quốc hội về việc hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại giai đoạn 2008 - 2018

Phát triển đồng bộ hệ thống y tế đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đa dạng hoá các hình thức chăm sóc sức khoẻ nhân dân đi đôi với đầu tư phát triển một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Làm tốt công tác y tế dự phòng; bác sĩ gia đình; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo tiến độ đầu tư, nâng cấp một số bệnh viện nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5 vào năm 2020.

Tăng cường công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn; hoàn thành kế hoạch giảm nghèo bền vững.

Về xây dựng, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô; hoàn thành các dự án tuyến đường vành đai, trục hướng tâm; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng.

Tiếp tục phát triển các khu đô thị mới, triển khai xây dựng theo thứ tự ưu tiên 5 đô thị vệ tinh. Xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, trật tự công cộng, xử lý chất thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị... Xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hoàn thiện hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng quy hoạch đô thị, từng bước xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố thông minh.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu trên 80% số xã đạt tiêu chí vào năm 2020; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật – xã hội nông thôn theo quy hoạch, ưu tiên cải thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống tưới tiêu, thoát nước thải, cấp nước sạch, nâng cấp các chợ, xây dựng các khu chăn nuôi, giết mổ tập trung và sản xuất tiểu thủ công nghiệp hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục tập trung cải cách hành chính, tăng cưởng kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội cần có thể chế vượt trội

Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp rất nhiều ý kiến đã tập trung vào 7 nhóm vấn đề. Trong đó, tập trung đóng góp cho ban soạn thảo báo cáo bổ sung vào bố cục báo cáo; kết quả đạt được sau 10 năm; nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cần dựa trên 2 Nghị quyết của Quốc hội và Luật khu hành chính đặc biệt sắp ban hành để cho phù hợp; quy hoạch và thực hiện quy hoạch; các giải pháp bổ sung vào phương hướng; đánh giá tồn tại và thách thức; các đề xuất kiến nghị.

Các đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp thực hiện quy hoạch chung của Thủ đô, tiếp tục thực hiện và quản lý các quy hoạch phân khu đảm bảo quy hoạch thực hiện đúng hiệu quả. Trong đó chú ý quy hoạch vùng lõi và vùng nông thôn, khu đô thị vệ tinh.  

Ngoài ra, còn nhấn mạnh tác động đánh giá thực hiện Nghị quyết việc phát triển kinh tế an ninh quốc phòng sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới đến tổ chức bộ máy hành chính và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng…

Đa số các đại biểu đều đánh giá cao các thành tựu KTXH Hà Nội đạt được 10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 của Quốc hội. Thủ đô đã “thay da đổi thịt” về nhiều mặt và rõ nét. TS Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: “Bộ mặt đô thị của Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ với nhiều khu đô thị hiện đại, hệ thống kết nối giao thông theo các tuyến tạo thuận lợi đi lại cho người dân. Đặc biệt an ninh trật tự của TP được đảm bảo hơn rất nhiều so với các tỉnh, TP khác”.

Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, hiện nay, còn nhiều những “điểm nghẽn” không chỉ của Thủ đô gặp phải mà còn là vấn đề của cả nước. Hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, nên cần phải có thể chế vượt trội trên cơ sở đề xuất trực tiếp, nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Thủ đô cần được ưu tiên về vấn đề xây dựng trung tâm tài chính, kinh tế, trung tâm cơ sở đào tạo, trung tâm y tế, trung tâm khoa học công nghệ…

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thay mặt lãnh đạo TP, trân trọng cảm ơn các đại biểu đại diện các bộ ban ngành T.Ư, hiệp hội… đã đóng góp ý kiến để ban soạn thảo có cơ sở bổ sung chỉnh sửa vào báo cáo.

Các đại biểu đóng góp rất nhiều ý kiến đã tập trung vào 7 nhóm vấn đề. Trong đó, tập trung đóng góp bổ sung bố cục, kết quả đạt được sau 10 năm, cơ chế chính sách, quy hoạch và thực hiện quy hoạch; bổ sung phương hướng; tồn tại và thách thức; đề xuất kiến nghị.

Các đại biểu nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp thực hiện chung của Thủ đô, quy hoạch phân khu đảm bảo quy hoạch thực hiện hiệu quả, trong đó chú ý quy hoạch vùng lõi và khu nông thôn, khu đô thị vệ tinh.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh tác động đánh giá làm rò thực hiện Nghị quyết việc phát triển kinh tế an ninh quốc phòng; tổ chức bộ máy hành chính sớm đi vào ổn định. Tác động phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng sau hợp nhất.

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa, tiếp tục xin ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo.