Hà Nội: sông Nhuệ sắp được “hồi sinh”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 6 hệ thống thuỷ lợi thuộc TP Hà Nội sẽ được đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi. Trong số này có hệ thống sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng.

Bộ NN&PTNT vừa công bố Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua TP Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng.
Sông Nhuệ đoạn chảy qua TP Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng.

Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 847/QĐ-TTg. Mục tiêu chung là bảo đảm cấp nước, tiêu thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch cũng hướng đến nâng cao năng lực phòng, chống giảm thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển ở thượng nguồn các sông liên quốc gia.

Cụ thể hoá mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và tham mưu Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án ưu tiên triển khai.

Trong danh mục nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 3 dự án thuộc TP Hà Nội sẽ được triển khai. Cụ thể là: hệ thống Ấp Bắc - Nam Hồng; hệ thống sông Nhuệ; hệ thống Phù Sa (trạm bơm Phù Sa).

Ngoài ra còn có 3 dự án khác liên quan đến TP Hà Nội sẽ được triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 gồm: hệ thống Liên Sơn - Bạch Hạc (Hà Nội, Vĩnh Phúc); hệ thống công trình chuyển nước vào sông Đáy phục vụ đa mục tiêu (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình); hệ thống Bắc Hưng Hải (Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh).

Để triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tại Quyết định số 847/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh, TP chủ động lồng ghép phương án phát triển thuỷ lợi, phòng chống thiên tai trong quy hoạch địa phương phù hợp với Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu cụ thể phương án, giải pháp thực hiện mức đảm bảo phòng chống lũ trong Quy hoạch để cập nhật vào Quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, các tỉnh, TP chủ động xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, trình HĐND cấp tỉnh tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để triển khai các nhiệm vụ, dự án đầu tư công trình trên địa bàn; bảo đảm công tác đầu tư đồng bộ, khép kín, phát huy hiệu quả.