Hà Nội: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, hơn 1.000 tỷ đồng đã được bố trí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Hoàn thành 52/95 dự án đầu tư

Cụ thể hoá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND để triển khai thực hiện 9 nội dung; trong đó, có hợp phần về đầu tư cơ sở hạ tầng.

Từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp cùng Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP trình HĐND TP phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho 95 công trình, dự án, với tổng kinh phí 1.050,23 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023: 114,53 tỷ đồng; năm 2022: 192,7 tỷ đồng; năm 2021: 743 tỷ đồng.

Nhà văn hoá thôn Đồng Âm tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Nhà văn hoá thôn Đồng Âm tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Các đơn vị được bố trí vốn đã tích cực triển khai thực hiện, cơ bản đảm bảo tiến độ các dự án theo yêu cầu. Đến nay, đã có 52/95 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; 15 dự án cơ bản hoàn thành, chuẩn bị được bàn giao;13 dự án chuyển tiếp đang tổ chức thi công; 15 dự án phân bổ vốn năm 2023 đang được các huyện tích cực triển khai.

Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, việc giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo Kế hoạch số 253/KH-UBND đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô một cách toàn diện, bền vững, cũng như phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng.

Nhưng điều đáng mừng hơn cả là hiệu quả đầu tư đã và đang từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Thu nhập bình quân của đồng bào các xã vùng DTTS&MN năm 2023 đạt 66,1 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,42%. Đến nay, TP không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 13/13 xã đã về đích xây dựng nông thôn mới.

Không để lãng phí công trình sau đầu tư

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, công tác dân tộc luôn được Hà Nội xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp uỷ, chính quyền từ TP đến cơ sở. Vì vậy, lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nhất là ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô. 

 

Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội đã hoàn thành 33/36 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu. 

Cùng với bố trí nguồn lực lớn, TP chú trọng nâng cao hiệu quả nguồn vốn thông qua việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho UBND các huyện, các xã trong thi công xây dựng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư.

Việc đầu tư xây dựng bảo đảm theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Công trình đầu tư phục vụ đúng đối tượng theo mục tiêu. Thông qua hoạt động giám sát hàng năm cho thấy quá trình đầu tư cơ bản bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần chung của TP.

Dự kiến, trong năm 2024, cùng với đốc thúc các huyện đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án còn dang dở, Hà Nội sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực theo kế hoạch để các địa phương nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội. Phấn đấu hoàn thành sớm các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 88/QH14 của Quốc hội và Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND TP.

Cùng với quản lý hiệu quả, không để thất thoát nguồn lực, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các địa phương chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình sau khi hoàn thành, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng cho đồng bào các DTTS&MN, tránh để lãng phí công trình hạ tầng sau đầu tư.