Hà Nội tạo sức bật cho năm mới 2022

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đã đi qua một năm nhiều khó khăn khi tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng lên hầu hết các lĩnh vực, song với sự đổi mới trong điều hành, tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên của cả hệ thống chính trị và người dân, TP đã vẫn tạo ra những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để TP phục hồi và bứt phá trong năm 2022 với những mục tiêu cao hơn.

Những điểm sáng từ tinh thần quyết tâm
Năm 2021, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tạo ra những tác động xấu đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của cả nước. Hà Nội với đặc thù là đầu mối giao thương đi lại của cả nước và quốc tế, nơi có mật độ dân số cao... do đó, nguy cơ và rủi ro đối với dịch bệnh luôn ở mức rất cao.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra khu Depot, tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra khu Depot, tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Với mục tiêu trên hết, trước hết là sức khỏe, an toàn của Nhân dân, đồng thời luôn duy trì, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, ngay từ đầu năm, TP đã chủ động áp dụng biện pháp mạnh ngay từ đầu và có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thông điệp về 5K, vaccine, thuốc, công nghệ cùng bốn sớm (phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, cách ly sớm và điều trị sớm) và nhiều giải pháp phòng, chống dịch khác đã thực thi hiệu quả trong cuộc sống.

Với chiến dịch thần tốc tiêm vaccine thành công đã tạo tiền đề quan trọng để TP thực hiện chiến lược chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch”, kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Thực tế trong những ngày qua, Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm, có những ngày lên đến cả nghìn ca ngoài cộng đồng với nhiều chùm ca bệnh phức tạp, nhưng người dân và chính quyền TP không quá hoang mang, luôn căn cứ vào Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai các bước theo tình hình thực tế.

Hiện gần trên 94% dân số trên 18 tuổi và trên 70,1% tổng dân số của TP đã tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19; 95,3% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 2, TP đang tổ chức tiêm mũi 1cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đạt 98,6%, mũi 2 đạt 50,1% . Hà Nội cũng triển khai cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế theo quy trình chặt chẽ.

Như nhiều ý kiến nhận định, việc lớn nhất mà Hà Nội đã làm được trong năm 2021 đó là cơ bản kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và duy trì được mức tăng trưởng dương. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, kinh tế của Thủ đô đang dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, GRDP quý III/2021 tăng trưởng âm 6,89%, nhưng quý IV đã tăng 6,69% đã góp phần kéo GRDP cả năm 2021 lên mức 2,92%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,78% (năm 2020 tăng 4,7%); nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 108,3% dự toán T.Ư giao, bảo đảm các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội… Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước tăng 1,9 - 2,4% (thấp hơn mức tăng năm 2020 là 2,67%).

Sản xuất thiết bị y tế tại Công Ty Terumo Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất thiết bị y tế tại Công Ty Terumo Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Phạm Hùng

Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị tiếp tục tạo chuyển biến mới khi TP đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử (với tổng diện tích 2.710ha) và 1 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung, 2 đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị, 19 đồ án đang thẩm định... TP đã nhận bàn giao và vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông; mở mới 14 tuyến xe buýt; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt... Đã hoàn thành 6 dự án nhà ở thương mại, 2 dự án nhà ở xã hội, 5 dự án tái định cư. Tiếp tục triển khai, hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh với gần 300.000 cây xanh các loại, trong đó có trên 100.000 cây đô thị;...

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như tuyên truyền phòng, chống Covid-19... Nhờ đó đã đảm bảo tiến độ công việc trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, TP đã kịp thời hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời ban hành thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng khó khăn khác.

TP đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ là trên 6.000 tỷ đồng. Trong đó, MTTQ các cấp của TP đã hỗ trợ trên 966 tỷ đồng. Ngân sách TP tiếp tục bổ sung 500 tỷ đồng vào nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi… Đồng thời hỗ trợ, giải quyết việc làm cho trên 160.000 lao động; hỗ trợ học nghề cho trên 1.200 người; tổ chức 160 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được trên 10.000 lao động; trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 57.000 người.

 

Năm 2022, quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn năm 2021 là rào cản thực sự đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước cũng như của Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu của TP Hà Nội trong năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân." - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Đồng hành, gỡ khó cùng DN
Để có được kết quả đó, ngoài thực hiện nghiêm sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của Chính phủ, T.Ư, lãnh đạo TP Hà Nội đã chủ động, tích cực làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời, chỉ đạo sâu sát các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, kiểm soát dịch, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Như nhiều ý kiến nhận định, thời điểm phòng, chống dịch Covid-19 chính là “lửa thử vàng” năng lực, trình độ của cán bộ, nhất là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Với tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng DN vượt bão Covid-19, TP Hà Nội đã chủ động tổ chức hai hội nghị đối thoại với DN trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài để tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Qua đó đã thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo TP và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN. Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nói, với phương châm “sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế”, chính quyền TP đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. TP Hà Nội cam kết tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các DN hoạt động và phát triển bền vững; bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của DN theo quy định của pháp luật.

TP đã thành lập “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021”, “Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do Covid-19”; thực hiện gia hạn, miễn, giảm trên 25,6 nghìn tỷ đồng cho khoảng 212,84 nghìn lượt DN, người nộp thuế. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; việc giải quyết những điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, DN được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ. TP đã có trên 25.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 345.000 tỷ đồng.
Nhìn vào các chỉ tiêu tăng trưởng để thấy kinh tế chỉ thực sự phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo khi dịch bệnh được kiểm soát. Các con số cũng nói lên việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hoàn toàn đúng.

Với những kết quả TP đã đạt được trong năm 2021 khi là một trong những địa phương duy trì được tốc độ phát triển trong thời điểm khó khăn, bảo đảm cân đối thu chi và là điểm sáng trong chỉ đạo, điều hành trước tác động bất thường của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, đây là những điều kiện thuận lợi để TP thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.