Hà Nội – Thái Bình: Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/10, đoàn công tác TP Hà Nội đã làm việc với Tỉnh ủy Thái Bình về kết quả hợp tác giữa 2 địa phương trong thời gian qua và kế hoạch hợp tác trong thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị, về phía Hà Nội còn có Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn; Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND TP.
 Trước đó, sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và đoàn công tác TP Hà Nội đã đến dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình).
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương
Phát biểu mở đầu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, tỉnh Thái Bình có bước phát triển mạnh trên các lĩnh vực; trong đó tăng trưởng kinh tế hằng năm đều đạt hai con số. 9 tháng năm 2019, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất mạnh, thay vì nông nghiệp là chủ yếu, công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất. Có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của Nhân dân là do Thái Bình nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan T.Ư, tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt TP Hà Nội với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Dấu ấn trong mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Thái Bình thể hiện trên các lĩnh vực như: Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục... Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, tiềm năng hợp tác giữa hai địa phương còn rất lớn và bày tỏ tin tưởng hội nghị lần này sẽ giúp mở ra chương mới trong hợp tác phát triển giữa Hà Nội và Thái Bình.
Báo cáo đánh giá kết quả hợp tác giữa Hà Nội – Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian qua, công tác hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa hai TP đã đạt được những kết quả tích cực và đóng góp tích cực vào sự phát triển của hai địa phương.
Nổi bật, trong công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, hai địa phương chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hội nghị, hội thảo do T.Ư tổ chức. Bên cạnh đó, các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội, các sở ngành, quận, huyện hai địa phương cũng có một số hoạt động giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác.
Về lĩnh vực thương mại, xúc tiến đầu tư, hai địa phương tích cực phối hợp tổ chức các chương trình liên kết xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản; tham gia các hội chợ, triển lãm do hai địa phương tổ chức. Theo đó, đã phối hợp tổ chức thành công 9 chương trình liên kết xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản thực phẩm của Thái Bình vào Hà Nội; tỉnh Thái Bình đã tổ chức 220 lượt DN tham gia hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm do Hà Nội tổ chức.
Bên cạnh đó, hai địa phương đã tích cực phối hợp trong công tác y tế dự phòng, đào tạo bác sỹ. Hàng năm, thực hiện chuyển tuyến để điều trị cho trên 10.000 lượt bệnh nhân các bệnh viện tuyến T.Ư ở Hà Nội. Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, hai địa phương tích cực liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như: Mô hình sản xuất rau quả an toàn; sản xuất và lai tạo giống vật nuôi; sản xuất và cung ứng giống thuỷ sản… Tháng 10/2019, Hà Nội giao cho ngành nông nghiệp triển khai thủ tục mua, chuyển giao bò giống và tiến bộ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt cho tỉnh Thái Bình (100 con bò với kinh phí khoảng 3,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội).
Đáng chú ý, đối với công tác an sinh xã hội, năm 2015, nhân chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình, lãnh đạo TP Hà Nội đã trao tặng Quỹ xoá đói giảm nghèo của tỉnh 2 tỷ đồng. Năm 2018, tại chương trình “Vòng tay nhân ái”, Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí 570 triệu đồng để phẫu thuật tim, sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em của tỉnh. 
Trên cơ sở kết quả đã đạt được và những tồn tại, hạn chế, hội nghị đã thống nhất đề ra 5 nhóm nội dung hợp tác trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và 7 nhóm nội dung hợp tác phát triển trên lĩnh vực kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đáng chú ý, hai TP sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế chính sách thu hút đầu tư; lập quy hoạch tỉnh, TP giai đoạn 2021 – 2030; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường Vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình…
 Quang cảnh hội nghị.
Tăng cường chia sẻ trên nhiều lĩnh vực
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá cao kết quả hợp tác mà 2 TP đã đạt được trong thời gian. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, kết quả hợp tác giữa hai TP còn chưa toàn diện, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa khai thác tốt thế mạnh của hai địa phương. Theo đó, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp chưa nhiều; các nội dung hợp tác về kinh tế - xã hội chưa đồng bộ và chưa phát huy hết tiềm năng của hai địa phương.
 
Từ đó, các đại biểu nêu kiến nghị thời gian tới, hai địa phương cần tăng cường hơn nữa hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực để cùng nhau phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Trong đó, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực như: Công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và liên kết phát triển; công nghiệp, thương mại; nông nghiệp; y tế, giáo dục…

Lựa chọn nội dung cụ thể để hợp tác

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Bình trong những năm qua đã phát huy truyền thống đoàn kết, tiềm năng, lợi thế đạt được những thành tích nổi bật trên các lĩnh vực; trở thành 1 trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; diện mạo từ thành thị đến nông thôn có sự thay đổi rất đáng tự hào; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hài hòa; quan tâm, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội...

Nhất trí với những nội dung được hai bên xác định tăng cường hợp tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, sau hội nghị hai bên sẽ ban hành thông báo kết luận hội nghị làm căn cứ để cụ thể hóa các nội dung hợp tác-phát triển.

 

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình khuyến khích, tạo điều kiện để các ban xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và các sở, ngành tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hơp tác trên các lĩnh vực công tác. Mỗi địa phương phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng thảo luận, thống nhất chương trình, cụ thể hóa nội dung hợp tác. 

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, các cơ quan hai địa phương khi triển khai thực hiện các nội dung hợp tác đã được thống nhất tại hội nghị cấn chú ý tìm ra những tiềm năng, lợi thế cụ thể để hợp tác bảo đảm thực chất, hiệu quả. Trước mắt, hai bên cần tập trung vào đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao; phát triển du lịch; xây dựng chính quyền đô thị; giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội đã trao tặng Quỹ an sinh xã hội tỉnh Thái Bình 3 tỷ đồng và 100 con bò giống.

Trong chương trình, Đoàn công tác TP Hà Nội đã tới dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Thái Bình; dâng hương tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thái Bình. Đoàn cũng đã tới tham quan Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao (MXP) do người Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, đang đầu tư sản xuất hàng dệt may quy mô lớn và rất thành công tại tỉnh Thái Bình. Công ty hiện có 7 nhà máy, 16.000 công nhân, sản xuất khoảng 9 triệu sản phẩm/năm; 9 tháng năm 2019 đã đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 280 triệu USD.