Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Cần thận trọng và chắc chắn

Linh Chi - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/3, đoàn công tác của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội và Tổ soạn thảo “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP Hà Nội” do Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo chủ trì đã tiến hành khảo sát tại thị xã Sơn Tây.

Nên tăng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND
Thị xã Sơn Tây là đô thị loại III trực thuộc TP Hà Nội có tổng diện tích đất tự nhiên 113,46km2, dân số 185.836 người, với 6 xã và 9 phường (trong đó, 6 phường còn nông nghiệp). Đánh giá thực trạng tổ chức HĐND và đại biểu HĐND, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho rằng, để tinh tọn bộ máy và tiết kiệm hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND như thực tế hiện nay, nên giảm bớt số đại biểu (ĐB) HĐND nhất là ở các cơ quan hành chính, tăng số ĐB hoạt động chuyên trách của HĐND, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị.
Nhận thức về vị trí, vai trò của cơ quan dân cử có lúc có nơi chưa hoàn toàn đúng, nên việc bố trí bộ máy HĐND các cấp, đặc biệt là bố trí ĐB chuyên trách ở địa phương còn hạn chế. Một số ĐB hoạt động kiêm nhiệm chưa dành thời gian thích đáng cho nghiên cứu tài liệu, không tham gia hoặc ít phát biểu ý kiến tại các buổi thảo luận. Hơn nữa, ủy viên các ban của HĐND thị xã đều hoạt động kiêm nhiệm, phải đảm nhận các chức vụ chuyên môn của các cơ quan, ban, ngành nên ít có điều kiện tham gia đầy đủ hoạt động của ban.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, qua thực tế hoạt động tại địa phương, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây nhận định, nhìn chung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cơ bản quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Chủ tịch UBND, các Phó Chủ tịch UBND và các ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Song, việc bố trí toàn bộ người đứng đầu các cơ quan chuyên môn là ủy viên UBND cũng không cần thiết, vì người đứng đầu một cơ quan chuyên môn chỉ hiểu sâu lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó. Do vậy, khi tham gia ý kiến ở các phiên họp thành viên UBND cũng chỉ tham gia ý kiến thuộc lĩnh vực mình phụ trách mà không tham gia ý kiến ở các lĩnh vực khác, nên có thể giảm bớt số ủy viên UBND.
Từ thực tế và những khó khăn, vướng mắc tại địa phương, lãnh đạo thị xã Sơn Tây kiến nghị tới đây khi TP thí điểm xây dựng mô hình CQĐT, về mô hình tổ chức, cần đưa công tác tiếp dân và bộ phận tiếp công dân từ văn phòng HĐND và UBND về cơ quan Thanh tra quản lý, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư về một đầu mối theo dõi, quản lý cho đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, đề nghị sửa khoản 2, điều 13 Luật Tiếp công dân năm 2013 về Ban Tiếp công dân cấp huyện trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thành trực thuộc Thanh tra cấp huyện; đề nghị nghiên cứu chuyển cơ quan Văn phòng đăng ký đất đai, Thanh tra Xây dựng về quản lý để thuận lợi trong quá trình điều hành, giải quyết TTHC liên quan lĩnh vực tài nguyên môi trường và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã.

"Hà Nội từng bước triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình CQĐT gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII), bám sát quan điểm về tính khả thi của việc thực hiện các nội dung liên quan để tổ chức bộ máy, nhất thể hóa một số chức danh liên quan. Đây là chủ đề lớn mà Hà Nội cần thực hiện trong thời gian tới, sẽ đánh giá theo mô hình cấp quận, cấp thị xã và cấp huyện, nghiên cứu theo hướng tinh gọn hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.

Trong đó, mô hình CQĐT sẽ nghiên cứu theo 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, cần bàn theo xu hướng tổ chức lại bộ máy chính quyền các cấp, trước thực tế hiện nay, có nhiều bất cập phải giải quyết. Thứ hai, trong mô hình này cần nghiên cứu theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các mối quan hệ; tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo. Thứ ba, CQĐT sẽ nghiên cứu phân cấp, phân quyền".

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo

Kéo đô thị và nông thôn “xích gần nhau”
Đại diện cho lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn góp ý tại buổi khảo sát, Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh Trần Đức Dũng bày tỏ, nên giữ nguyên HĐND thị xã; với HĐND phường, có thể vẫn giữ nguyên nhưng cần nâng cao chất lượng, hoặc nếu không tổ chức HĐND nữa, nên chuyển chức năng giám sát sang cho MTTQ, tăng giám sát của cấp ủy, thực hiện Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND đối thoại với công dân như quy chế đã ban hành thay cho hình thức tiếp xúc cử tri.
Đồng thời, nên thực hiện cấp trên trực tiếp bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, thay vì để HĐND bầu. “Nếu xây dựng CQĐT tại thị xã, đề nghị thành lập trung tâm hành chính công, chuyển thị xã thành TP trực thuộc TP, song song với đầu tư tương xứng, đặc biệt cho kết cầu hạ tầng và nguồn nhân lực”, ông Dũng nói thêm.
Tham luận tại buổi khảo sát, một số lãnh đạo phường, xã cũng cho rằng, vẫn còn bất cập trong phân cấp, phân quyền. Theo Chủ  tịch UBND phường Trung Sơn Trầm Phùng Văn Phúc, việc tổ chức chính quyền ở phường theo Luật tổ chức chính quvền hiện nay có nhiều phân cấp, phân quyền cho địa phương nhưng cơ cấu tổ chức của UBND phường theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương loại II, III có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch là chưa phù hợp, gây khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND phường cũng như quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu tham luận tại buổi làm việc.

Nhất trí cao với đề án thí điểm mô hình CQĐT tại Hà Nội, Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: Thú Thịnh là phường đô thị nhưng vẫn gắn với nông thôn, bởi trong 8.000 dân thì có hơn 1.000 xã viên HTX nông nghiệp, nên đòi hỏi việc phát triển nông thôn vẫn kiểm soát được các tác động của đô thị hóa, đồng bộ với sự phát triển đô thị.
“Như vậy, đô thị và nông thôn mới xích lại được gần nhau theo hướng tích cực, nông thôn không bị đô thị “kìm kẹp” và từ đó mới thực hiện được việc đô thị hóa 100% toàn phường. Thực tế hiện trong cùng một phường như Phú Thịnh, khoảng cách về đời sống sinh hoạt, nhận thức chính trị và nhiều vấn đề khác còn rất lớn. Trong khi, việc tổ chức chính quyền địa phương hiện nay như hình chóp ngược, ở trên rất to nhưng càng xuống cấp dưới càng cần triển khai các quy định pháp luật thì lại càng thiếu người làm”, bà Hà cho hay, và đề xuất: Cần giữ nguyên HĐND với những phường còn tỷ lệ nông dân lớn như Phú Thịnh; còn với những phường đã ổn định, quá trình đô thị hóa cao thì có thể bỏ HĐND. Tiến trình xây dựng đề án thí điểm này cần chậm và chắc, chứ nếu nhanh và ồ ạt thì khó kiểm soát những khiếm khuyết.
Còn Chủ tịch UBND phường Sơn Lộc Phạm Thị Lệ Thủy đề xuất, không nên thêm kinh phí, tiêu chuẩn ở Ban Pháp chế, vì không giải quyết vấn đề gì, gây lãng phí, cồng kềnh mà chức năng không khác so với Thường trực HĐND. Còn với cán bộ xã, phường, điển hình là cán bộ địa chính và tư pháp, nên tăng kinh phí, đồng thời không nên luân chuyển những cán bộ này. Đồng tình với các lãnh đạo khác, Chủ tịch UBND phường Sơn Lộc cũng đưa ra những bất cập trong việc phân cấp quản lý về tài chính, tự chủ thu-chi, cấp cơ sở không được tự chủ về mua sắm, thậm chí từ việc mua một chiếc máy tính chỉ 2 - 3 triệu đồng.