Hà Nội thiếu nhân lực chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi ghi nhận nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số (CĐS) trong nửa đầu năm 2023, Hà Nội vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác này trên toàn địa bàn thành phố nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ cả về số lượng lẫn chất lượng.

Thiếu nhân lực, thừa công việc

Năm 2023, Hà Nội xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của công tác này.

Tuy nhiên, đến nay, Cổng dịch vụ công TP Hà Nội vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, chưa vận hành chính thức đã gây khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Đối với Hà Nội hay nhiều thành phố lớn khác, các các nhiệm vụ trong công tác CĐS đều mới, khối lượng công việc lớn. Thêm vào đó, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của thành phố còn thiếu nhiều nhân lực CNTT.

Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của TP. Hà Nội còn thiếu nhiều nhân lực CNTT.
Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của TP. Hà Nội còn thiếu nhiều nhân lực CNTT.

Đáng chú ý nhất, tại khối xã, phường, thị trấn ở TP Hà Nội chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT. Thậm chí, báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, CĐS quý I/2023 của TP Hà Nội nêu rõ, nhiều công chức làm CNTT xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng công chức làm CNTT tại các cơ quan nhà nước. 

Chính những điều này gây ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ.

Theo đại diện UBND một xã ở Hà Nội (xin giấu tên), cơ quan này không có nhân sự liên quan trực tiếp đến công tác CĐS, cải cách hành chính dẫn đến việc thực hiện công tác chuyên môn ở cơ sở bị quá tải. 

Ngoài ra, tại đây có nhiều cán bộ phải kiêm rất "nhiều vai" như công tác thống kê, một cửa, nội vụ… Vì vậy, thực hiện các nhiệm vụ mà cấp quận, thành phố giao phó cũng bị "hụt" tiến độ.

Một trường hợp khác, chị H., công chức bộ phận một cửa ở một phường của TP Hà Nội, cho biết cơ sở vật chất, kỹ thuật ở đơn vị luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, phần mềm dịch vụ công liên tục thay đổi, đặc biệt là nhiều khi phần mềm bị "đơ" khiến việc giải quyết thủ tục hành chính bị ảnh hưởng.

Chị H. chia sẻ thêm: “Hiện, chúng tôi đang dùng phần mềm mới của UBND TP Hà Nội nhưng phần mềm này chỉ mang tính chất quản lý, chưa thể cho ra kết quả thủ tục hành chính. Do đó, một số thủ tục, chúng tôi phải gõ tay, nhập thông tin từ phần mềm của thành phố sang phần mềm của Bộ Tư pháp để in kết quả ra cho người dân”.

Trước những bất cập nêu trên, Sở TT&TT Hà Nội đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ TT&TT xây dựng cơ chế khuyến khích, đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách CĐS, CNTT, an toàn thông tin để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Theo đó, nếu có cơ chế đãi ngộ tốt hơn sẽ đảm bảo cho cán bộ yên tâm công tác, duy trì nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước.

Đề xuất chế độ mới hỗ trợ cán bộ CĐS

Bộ Nội Vụ cũng vừa trình lên Chính phủ báo cáo đánh giá thực trạng về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CĐS, an toàn, an ninh mạng.

Trong đó nêu rõ, đội ngũ chuyên trách về CNTT thực hiện nhiệm vụ CĐS, an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện mục tiêu CĐS quốc gia, Chính phủ điện tử. 

Do đó, việc cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ làm công tác CĐS, an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước để có thể giữ chân và tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác.

Thực tế cho thấy, hiện tại, người làm CNTT, người làm công tác CĐS, an toàn, an ninh mạng chưa có chính sách hỗ trợ riêng dù đặc thù công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và kinh nghiệm về CNTT. 

Ngoài ra, có rất ít các cơ quan, địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ làm CNTT.

Trước tình trạng trên, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CĐS, an toàn, an ninh mạng.

Cụ thể, Nghị định sẽ được áp dụng cho các đối tượng, gồm: cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, viên chức, công nhân, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang phục vụ tại ngũ, thực hiện công tác CĐS và quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin được xác định theo yêu cầu vị trí việc làm.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định chỉ quy định mức hỗ trợ bằng mức tiền tuyệt đối, không gắn với mức lương cơ sở hoặc mức lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức.

Về mức hỗ trợ cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp với điều kiện ngân sách.

Thêm nữa, dự thảo quy định thời gian không được tính hưởng chế độ hỗ trợ, cụ thể: Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ công tác từ 1 tháng trở lên; thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, học tập, làm việc mà không trực tiếp làm công tác CĐS và quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin liên tục từ 1 tháng trở lên.

Còn việc xác định người làm công tác CĐS, an toàn, an ninh mạng tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, do Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất thời gian trình Chính phủ xem xét, thông qua đối với Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách CĐS, an toàn, an ninh mạng là tháng 10/2023.