Hà Nội tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Cầu thị và quyết liệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 3 năm liên tiếp bị giảm điểm trên Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, PCI 2011 của Hà Nội đã đảo chiều ngoạn mục khi tăng 7 bậc so với năm 2010.

Mặc dù vậy, kết quả này chưa làm hài lòng lãnh đạo Thành phố cũng như sự  kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân.

Cải thiện nhưng chưa vững chắc

Theo Bảng xếp hạng PCI 2011, Hà Nội có 6 chỉ số thành phần tăng hạng nhưng có 3 chỉ số giảm thứ hạng. Trong đó, nổi bật nhất là chi phí gia nhập thị trường tăng 35 bậc, tính minh bạch và tiếp cận thông tin tăng 9 bậc, tính năng động tăng 6 bậc, tiếp cận đất đai tăng 4 bậc, dịch vụ hỗ trợ DN tăng 1 bậc. Các chỉ số giảm điểm gồm có: Thiết chế pháp lý, chất lượng đào tạo lao động, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước.

Tại Hội nghị Nâng cao chỉ số PCI của Hà Nội năm 2012 do UBND TP Hà Nội phối hợp VCCI tổ chức sáng 26/4, ông Đậu Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu và khảo sát PCI (thuộc VCCI) cho rằng, kết quả nêu trên là sự ghi nhận của cộng đồng DN trước những nỗ lực không ngừng của Thành phố nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Năm qua, đã có 43,24% số DN được điều tra cho rằng chính quyền Thành phố đã năng động trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng DN tư nhân (năm 2010 là 37,8%). DN cũng dễ dàng tiếp cận hơn các tài liệu, chính sách của Thành phố để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong việc gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai... Kết quả điều tra PCI còn cho thấy, DN đã tin tưởng hơn vào hệ thống tư pháp và khả năng bảo vệ của pháp luật.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của Hà Nội chưa được đánh giá cao. Hầu hết các chỉ tiêu đo lường về thời gian mà DN phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính đều giảm so với năm 2010. 1/3 DN cho rằng, không có bất kỳ sự thay đổi nào sau khi thực hiện cải cách hành chính. Tỷ lệ DN cho rằng cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả hơn giảm 10,62%. So với năm 2010, tỷ lệ DN cho rằng sau khi thực hiện cải cách hành chính, việc giảm số lần đi xin dấu và chữ ký, thủ tục giấy tờ, các loại phí, lệ phí của năm 2011 đều thấp hơn. Điều này cho thấy, tuy thời gian DN phải bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính có giảm, nhưng hiệu quả thực chất vẫn chưa cao.

Quyết liệt cải thiện PCI 2012

Hà Nội tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Cầu thị và quyết liệt - Ảnh 1

Sản xuất thép tại Công ty TNHH Zamil Steel Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng

Chưa bằng lòng với kết quả PCI 2011, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định: "Thành phố rất cầu thị và sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa thứ hạng PCI của Hà Nội trong năm tới. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành dẫn đầu và đưa Hà Nội vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt". Theo đó, những lĩnh vực mà Thành phố vốn có lợi thế và nhiều năm duy trì vị trí cao trên Bảng xếp hạng sẽ được chú trọng phát huy. Chẳng hạn với dịch vụ hỗ trợ DN, ngoài việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ: Cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại… Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hơn các diễn đàn đối thoại giữa chính quyền với DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư.

Đối với chỉ số đào tạo lao động, năm qua Hà Nội bị giảm điểm và thứ hạng về chỉ số này. Để lấy lại vị trí dẫn đầu, Hà Nội chủ trương khuyến khích các DN tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đẩy mạnh xã hội hóa kết hợp với tăng tỷ lệ đầu tư ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục và đào tạo, đẩy nhanh xây dựng trung tâm đào tạo nghề quy mô lớn ở Đông Anh…

Thành phố cũng sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ các lĩnh vực như: tính minh bạch, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường. Với những lĩnh vực còn xếp ở vị trí thấp như: tiếp cận đất đai, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức… Thành phố chủ trương và thực hiện công khai các quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ...

Thời gian tới, vấn đề tiếp cận đất đai ở Hà Nội chắc chắn sẽ cải thiện khi mà Sở Công Thương Hà Nội theo sự chỉ đạo của UBND TP đã chọn được 6.500 ha để kêu gọi đầu tư vào công nghiệp, thương mại. Về vấn đề hỗ trợ DN, Sở đã xây dựng kế hoạch để UBND TP thường xuyên gặp và tiếp xúc với DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn. Sở cũng tập hợp ý kiến của các nhóm DN để gửi UBND TP và các sở, ban, ngành liên quan xem xét hỗ trợ.

Ông Lê Hồng Thăng Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Cục Thuế Hà Nội đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc kê khai thuế điện tử. Đến nay đã có 25.000 DN trong tổng số 90.000 DN thực hiện kê khai thuế qua mạng thành công. Tháng 11/2011 bắt đầu thí điểm nộp thuế qua mạng. Chúng tôi đang nỗ lực để giảm tải và cải cách hành chính, hạn chế phiền hà cho người dân và DN.

Ông Viên Viết Hùng Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội