Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc có thêm 54 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2016, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng NTM.

Nông thôn mới thực sự hiện hữu
Những ngày gần Tết Nguyên đán Đinh Dậu, về các xã Trần Phú, Thượng Vực, Đồng Lạc, Đồng Phú…, huyện Chương Mỹ, nơi nào bà con cũng đều phấn khởi vì đã hoàn thành xây dựng NTM. Vậy là sau rất nhiều khó khăn, vất vả và nỗ lực, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các xã đã kịp hoàn thành trước thềm năm mới 2017. Có lẽ vui nhất là cán bộ và Nhân dân xã Trần Phú, bởi đây là một trong 14 xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của TP và từng bị “trượt” NTM trong năm 2015. Ông Nguyễn Viết Đăng - Trưởng thôn Đồng Ké, xã Trần Phú hồ hởi cho biết: “Nếu như trước kia hỏi người dân không mấy người biết NTM là gì thì nay hỏi  ai cũng trả lời được vì bộ mặt nông thôn đã thay đổi hoàn toàn, từ đường sá đến các công trình văn hóa, trường học…”.
 Mô hình trồng hoa trong nhà lưới tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.
Sự thay đổi của NTM không chỉ dừng lại ở những công trình điện, đường, trường, trạm mà còn hiện hữu rõ nét trong chất lượng cuộc sống của người dân ngoại thành. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhiều địa phương đã tích cực quy hoạch và triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị canh tác. Tại xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, sau dồn điền đổi thửa, nhiều mô hình trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản quy mô lớn đã ra đời, trở thành điểm nhấn trong kinh tế của địa phương. Tiêu biểu như trang trại của ông Đỗ Văn Quynh, thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, với khoảng 300 cây ăn quả như ổi, bưởi Diễn và gần 700 cây cảnh cho thu nhập 500 – 700 triệu đồng/năm. “Nhờ có chương trình xây dựng NTM, hạ tầng phục vụ nông nghiệp được cải thiện, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nên thu nhập cũng được nâng cao” – Phó Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thượng Vực Nguyễn Ba Đồng chia sẻ.
Không chỉ Chương Mỹ, tại các huyện khác như Thường Tín, Ba Vì, Quốc Oai, Phúc Thọ… chương trình xây dựng NTM cũng đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Dù là năm đầu tiên thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, song kết quả xây dựng NTM trong năm 2016 trên địa bàn TP đạt được là rất đáng ghi nhận. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp ước đạt 239 triệu đồng/ha, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2015. Bên cạnh đó, trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 36 triệu đồng/người/năm, tăng 1 triệu đồng so với kế hoạch TP đề ra. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, NTM đã thực sự hiện hữu ở khu vực ngoại thành và được người dân hân hoan đón nhận.
Minh bạch, công khai
Trong năm 2016, Hà Nội có thêm huyện Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và 54 xã đã đủ điều kiện được Chủ tịch UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 32 xã so với kế hoạch đề ra. Như vậy, tính đến nay, tổng số xã đạt chuẩn NTM của Hà Nội là 255/386 xã (chiếm 66,06%) và chiếm 11,4% tổng số xã đạt chuẩn NTM của cả nước. Với kết quả này, Hà Nội vẫn giữ vững  là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM. Không những thế, trong số 131 xã còn lại, có 88 xã (chiếm 22,8%) đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 42 xã (chiếm 11,14%) đạt và cơ bản đạt từ 10 - 14 tiêu chí, chỉ còn xã Ba Vì, huyện Ba Vì là đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí.
Điểm đáng ghi nhận trong công tác xây dựng NTM của Hà Nội là cách làm bài bản, nghiêm túc, không chạy theo thành tích và quy trình thẩm định đảm bảo dân chủ, công khai. Theo đó, trước khi làm hồ sơ đề nghị TP công nhận đạt chuẩn NTM, các xã phải tổ chức họp thông báo và lấy ý kiến Nhân dân. Sau đó, cấp huyện, thị xã thẩm tra lại và Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM TP tiếp tục xuống thẩm định. Ông Nguyễn Xuân Thuật – Chủ tịch MTTQ xã Đông Quang, huyện Ba Vì chia sẻ, do cách làm dân chủ, công khai nên người dân rất ủng hộ và mong chờ kết quả đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, người dân được trực tiếp tham gia giám sát thi công xây dựng các công trình hạ tầng nên không có đơn thư, khiếu kiện vượt cấp liên quan đến NTM và tình hình dư luận xã hội luôn ổn định.
Có trực tiếp cùng Tổ công tác TP đi chấm điểm NTM mới thực sự thấy cách làm bài bản, khoa học. Theo đó, Tổ công tác phân chia thành từng nhóm xuống cơ sở kiểm tra, chấm điểm từng tiêu chí chứ không chỉ chấm trên... giấy. Đồng thời, thành viên Tổ công tác cũng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người dân các địa phương hỏi han tình hình. Trước khi đưa ra kết quả cuối cùng, Tổ trưởng Tổ công tác một lần nữa xin ý kiến của đại diện các thôn, xóm xem có đồng tình, thống nhất hay không. Ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP cho biết, nếu người dân chưa đồng tình, nhất trí thì xã chưa đủ điều kiện đạt chuẩn NTM. Cũng theo ông Cương, việc thông qua ý kiến của người dân trong quá trình xét công nhận xã đạt chuẩn NTM cho thấy, mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là hướng tới sự hài lòng của người dân.
Trong năm 2016, Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP đã tới từng huyện, thị xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Đến hết năm, toàn TP đã cấp được 601.314/626.994 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, đạt 95,9%. Một số địa phương đã hoàn thành công tác này như huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thạch Thất và Mê Linh.

Tổng kinh phí đầu tư cho NTM toàn TP năm 2016 là hơn 8.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hơn 7.300 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách là hơn 800 tỷ đồng (riêng Nhân dân đóng góp khoảng 400 tỷ đồng). Lũy kế vốn đã thanh toán các nguồn vốn đến nay là hơn 6.800 tỷ đồng, đạt 84,5%.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở một số huyện tương đối cao như Đan Phượng (80%), Phúc Thọ (80,2%), Phú Xuyên (75%), Chương Mỹ (76%)… Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 3,65%, vượt 1,15% so với kế hoạch TP giao 4,8%.

Chương trình xây dựng NTM thực sự là bước ngoặt lịch sử, mang lại nhiều đổi thay lớn cho khu vực nông thôn, được người dân phấn khởi đồng lòng, chung sức. Ở bất cứ nơi đâu, phải Nhà nước và Nhân dân cùng làm thì mới có NTM thực sự. Nếu tất cả mọi địa phương đều đạt chuẩn NTM như ở Hà Nội thì nước ngoài cũng thèm muốn NTM của Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Anh
Bí thư Chi bộ 5, xã Chương Dương, huyện Thường Tín.

Triển khai xây dựng NTM, địa phương đã xây dựng một số mô hình tự phòng, tự quản, trong đó thành lập 7 mô hình phụ nữ tự quản. Đối với địa bàn thôn, xóm, tổ chức đăng ký, ký kết giữ vững trật tự an toàn xã hội. Do đó, những năm qua, các khiếu kiện vướng mắc của người dân đều được giải quyết kịp thời ngay tại xã, không có khiếu kiện đông người.
Ông Nguyễn Ngọc Chính
Trưởng Công an xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ