Hà Nội: trao bằng công nhận chuẩn quốc gia cho 167 trường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 22/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Lễ trao Bằng công nhận trường chuẩn quốc gia năm 2023 cho 167 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, năm 2023, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng tăng thêm 130 trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) nhưng thực tế, Hà Nội đã có 167 trường mới được công nhận CQG, đạt 128% so với kế hoạch.

Giám đốc Sỏ GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao bằng công nhân chuẩn quốc gia năm 2023 cho đại diện các nhà trường
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa trao bằng công nhân chuẩn quốc gia năm 2023 cho đại diện các nhà trường

Năm qua, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng CQG mới; phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phù hợp, khả thi để các đơn vị thực hiện.

Hà Nội thực hiện tốt công tác rà soát, đôn đốc, giao ban để triển khai thực hiện kế hoạch; chủ động phối hợp với các đơn vị để kiểm tra tư vấn; xây dựng kế hoạch kiểm tra thẩm định và công nhận trường đạt CQG.

Các quận, huyện, thị xã tích cực tập trung nhiều nguồn lực, chủ động trong công tác xây dựng trường CQG; phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT để triển khai thực hiện theo kế hoạch được giao.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao bằng chuẩn quốc gia cho Trường THCS Hoàng Mai, quận Hoàng Mai
Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao bằng chuẩn quốc gia cho Trường THCS Hoàng Mai, quận Hoàng Mai

Trong 167 trường mới được công nhận CQG năm 2023 có 54 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 43 trường THCS và 3 trường THPT.

Tỷ lệ trường đạt CQG toàn thành phố là 64,3% (1.805/2.809); trong đó trường công lập là 79,3% (1.785/2.251), không tính các trường đặc thù (có học sinh khuyết tật). 

Trong số 30 quận, huyện, thị xã, có 12 đơn vị vượt chỉ tiêu trường CQG được giao (Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Đông Anh...); có 8 đơn vị hoàn thành chỉ tiêu và số còn lại đang tích cực thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao.

5 đơn vị có tỷ lệ trường công lập đạt CQG cao nhất (tỷ lệ hơn 90%), gồm: Đan Phượng 98,2%; Tây Hồ 92,6%; Gia Lâm 92,4%; Thanh Trì 90,4%; Bắc Từ Liêm 90,0%.

Có 11 đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn trên 80%, gồm: Thường Tín 87,8%; Ba Đình 87,8%; Quốc Oai 87,0%; Sóc Sơn 87,0%; Thanh Xuân 86,7%; Long Biên 84,6%; Hoàn Kiếm 84,2%; Thanh Oai 83,1%; Nam Từ Liêm 82,9%; Sơn Tây 80,9%; Ba Vì 80%.

Năm 2023 đến hạn công nhận lại cho các trường công nhận mới và công nhận lại năm 2018. Toàn thành phố đã công nhận lại 224 trường (công nhận lại đúng thời hạn 201 trường; công nhận lại trước thời hạn 23 trường).

Có 7 đơn vị làm tốt và hoàn thành công nhận lại (Đan Phượng; Hai Bà Trưng; Hoàng Mai; Long Biên; Nam Từ Liêm; Tây Hồ; Thanh Xuân); 4 đơn vị hoàn thành tương đối tốt (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm; Mỹ Đức, Thanh Trì).

Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo đạt chuẩn của các quận nội thành gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất xây trường mới, thiếu quỹ đất để mở rộng trường đảm bảo diện tích đạt chuẩn; việc đầu tư cho chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang cần nguồn đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên... cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nguồn vốn và triển khai thực hiện của các ban, ngành….

Căn cứ kế hoạch xây dựng trường đạt CQG ở các quận, huyện, thị xã, Sở GD&ĐT đã rà soát, tổng hợp kế hoạch, báo cáo thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường CQG năm 2024 bao gồm công nhận mới và công nhận lại.