Hà Nội: tuyên truyền nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 4/7/2025 về tuyên truyền thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035”.
Kế hoạch số 175/KH-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng ký, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành về công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và trong nhận thức của người học, gia đình, xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Cùng với đó, nâng cao tầm quan trọng, vị trí, vai trò của việc phát triển GDNN trong đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, góp phần nâng chất lượng tuyển sinh, đào tạo và hiệu quả việc làm sau đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Nội dung tuyên truyền nâng cao chất lượng GDNN gồm tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của TP về phát triển nguồn nhân lực, GDNN; thống nhất nhận thức về GDNN là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với giáo dục đại học hình thành cơ cấu hoàn chỉnh góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Song song với đó, tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc các đối tượng theo quy định trên địa bàn TP, góp phần triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách khuyến khích học nghề của TP. Trong việc tuyên truyền chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Tuyên truyền về chủ trương chính sách phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS, THPT cho cha mẹ học sinh và học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Đồng thời tuyên truyền nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước – nhà trường – DN; gắn kết cung – cầu lao động với GDNN; về lợi ích của GDNN đối với sự nghiệp phát triển bền vững của DN, chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động đào tạo trong lĩnh vực GDNN.
Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền những đổi mới, công tác chuyển đổi số trong GDNN nhằm phát triển các hoạt động trên môi trường số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý; đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ số đối với việc dạy học trực tuyến. Hoạt động tuyên truyền còn chú trọng lan tỏa các gương điển hình, cơ sở GDNĐ có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.
Hình thức tuyên truyền trên báo chí; trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; trực tiếp và truyền thông nội bộ; Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, Cổng/trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND xã, phường; trên hệ thống thông tin cơ sở và cổ động trực quan.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở VH&TT chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền về công tác GDNN trên báo chí TP, báo chí T.Ư và địa phương, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan.
Sở GD&ĐT là cơ quan chủ trì triển khai Đề án cung cấp thông tin thường xuyên cập nhật thông tin về công tác GDNN trên Cổng thông tin điện tử Sở GD&&ĐT; phát huy hiệu quả mạng lưới trang thông tin điện tử, các kênh truyền thông nội bộ của các Trung tâm GDNN – GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng dạy văn hóa kết hợp dạy nghề.
UBND xã, phường chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân về chế độ, chính sách liên quan đến GDNN trong các nhóm dân cư. Phát huy các kênh thông tin cơ sở tại thôn, tổ dân phố; thông tin, lan tỏa các gương điển hình, cơ sở GDNN có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm.

Sở GD&ĐT tiếp nhận 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên từ 1/7
Kinhtedothi – Từ 1/7/2025, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thuộc quản lý của các quận, huyện, thị xã trước đây được chuyển giao nguyên trạng về Sở GD&ĐT Hà Nội.

Những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)
Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi theo quy định.

Tạo cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp
Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Trần Thanh Bình đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực, đi vào cuộc sống, đã tạo nhiều điều kiện, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.