Hà Nội: Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đã đạt trên 94%

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI và Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016 - 2020 của UBND TP trong đó phấn đấu nhiều chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn, một trong những nhiệm vụ được TP tập trung là sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tiếp tục xác định đây là khâu đột phá trong CCHC.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, trong công tác ứng dụng CNTT, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đến tháng 12/2017, toàn TP Hà Nội có 391 DVC (do các bộ, ngành T.Ư triển khai; theo phần mềm dùng chung của TP; do các đơn vị tự triển khai trước đây) và đang xây dựng quy trình, triển khai thêm 165 DVC. Đáng chú ý, hiện hệ thống DVCTT đã có 5.273 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, có trên 5,2 triệu lượt truy cập, với tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt trên 94%.
Giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông tại bộ phận Một cửa quận Đống Đa.
Trong đó, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số DVCTT đạt kết quả cao, như các lĩnh vực: Lĩnh vực tư pháp khối quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đạt trên 90%; đăng ký kinh doanh trên 75%; thuế trên 97%; hải quan 100%; bảo hiểm xã hội trên 80%; hộ chiếu phổ thông trên 80%, thông tin và truyền thông 90%. Riêng với một số TTHC lĩnh vực tư pháp-hộ tịch đã được triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn thông qua phần mềm dung chung của TP.
Trong giải quyết TTHC cho người dân và DN, năm qua, toàn TP đã tập trung thực hiện tốt việc công khai và niêm yết TTHC tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, điển hình như Sở Kế hoạch & Đầu tư đã ban hành, triển khai phương án thí điểm “Liên thông phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN đối với đầu tư nước ngoài”, trong đó cắt giảm trên 40% thời gian giải quyết một số TTHC lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, 100% cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (21/21 sở và cơ quan tương đương sở; 30/30 UBND quận, huyện, thị xã; 584/584 UBND xã, phường, thị trấn).
Tại bộ phận “một cửa” và bộ phận tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm việc niêm yết 10 nguyên tắc giao tiếp của cán bộ, công chức với tổ chức, công dân và việc gửi “Thư xin lỗi” của cơ quan hành chính nhà nước trong trường hợp quá hẹn trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Bộ phận “một cửa” của các cơ quan, đơn vị đều được bố trí độc lập và đặt tại nơi trang trọng để thuận tiện cho công dân đến giao dịch, hầu hết được bố trí theo các khu vực: Khu vực cung cấp thông tin, TTHC; khu vực đặt trang thiết bị điện tử, máy lấy số xếp hàng tự động, màn hình tra cứu thông tin, TTHC, tra cứu kết quả giải quyết TTHC; khu vực tiếp nhận và trả kết quả tương ứng từng lĩnh vực; khu vực ngồi chờ làm thủ tục, bố trí ghế ngồi chờ, bàn viết, có nước uống, quạt mát hoặc điều hòa nhiệt độ; bố trí hệ thống camera giám sát, theo dõi quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Xác định hiện đại hóa nền hành chính vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC, năm nay, TP sẽ triển khai có hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành tập trung TP; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tiếp tục xác định đây là khâu đột phá trong CCHC. Đặc biệt, TP đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ để triển khai hiệu quả DVCTT mức độ 3, 4; trong đó chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân tích cực sử dụng DVCTT. Để nâng cao chất lượng cung ứng DVC, UBND TP đang giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Quy định áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng DVC tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, hợp tác xã được giao cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.