Dự buổi làm việc có Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức.
Tại buổi làm việc, các đại biểu được xem phóng sự giới thiệu tình hình triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn Hà Nội.
Triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 TP Hà Nội, về tình hình, tiến độ triển khai Đề án 06, Hà Nội đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo, triển khai việc thực hiện Đề án 06; các sở, ngành có 4 văn bản trao đổi, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn thành phố. Điển hình, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 01/02/2024 về thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn Hà Nội năm 2024 với 33 nhiệm vụ (10 nhiệm vụ chung, 23 nhiệm vụ cụ thể) giao các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đảm bảo đúng nội dung, mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra.
Trước đó, ngày 14/11/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 270/KH-UBND về triển khai các mô hình điểm tại Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn Hà Nội. Hiện, TP Hà Nội đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng 28 mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP và Chỉ thị số 05/CT-TTg trên địa bàn Hà Nội trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Trong thời gian tới, Hà Nội tập trung thực hiện các nhiệm vụ phải hoàn thành về triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn thành phố và các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp thực hiện các mô hình điểm theo Kế hoạch số 270/KH-UBND để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06. Đẩy mạnh số hóa sổ hộ tịch, dữ liệu đất đai; đưa vào sử dụng các dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, làm sạch với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân. Triển khai giải pháp ứng dụng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, bảo đảm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết TTHC; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định. Triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện.
Ngoài ra, triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, trước mắt trang bị chữ ký số cá nhân cho giáo viên, nhân viên để phục vụ triển khai học bạ số. Tiếp tục triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Hà Nội. Đẩy mạnh tỷ lệ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt. Triển khai thí điểm giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID…
Phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của TP Hà Nội (Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ), TP Hồ Chí Minh (Công an TP, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục & Đào tạo) và các chuyên gia đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đánh giá TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện tốt Đề án 06 trên địa bàn. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cũng lưu ý 2 thành phố cần quan tâm các vấn đề khi triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06. Đó là quan tâm câu chuyện thể chế; quan tâm hạ tầng công nghệ an toàn thông tin, không để lộ, lọt thông tin người dân; quan tâm dữ liệu; quan tâm nguồn nhân lực, bồi dưỡng đào tạo cán bộ ở các xã phường; tuyên truyền phổ biến để người dân hiểu được Đề án 06. Đồng thời, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan, đơn vị, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, có cách chỉ đạo đổi mới sáng tạo…
Đánh giá lợi ích Đề án 06 mang lại, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, các kết quả của đề án đã tác động nhiều và tích cực mọi mặt đời sống xã hội của thành phố; đặc biệt là các mô hình chuyển đổi số hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Trong đó, bản chất của chuyển đổi số là phải chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi tư duy, chuyển đổi phương pháp, chuyển đổi tâm thế phục vụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội chuẩn bị thuê dịch vụ bưu chính công ích vào làm tất cả các nhiệm vụ hiện nay của cán bộ một cửa đang làm, để tập trung lực lượng cán bộ một cửa về làm việc khác. Hiện chưa có hướng dẫn chính thức, tuy nhiên đã có cơ chế thí điểm, thực hiện tại quận Hoàn Kiếm, sau đó Hà Nội sẽ đánh giá, nhân rộng.
“Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao các đơn vị nghiên cứu, đề xuất hoàn chỉnh các hành lang pháp lý về chuyển đổi số, nghiên cứu hướng dẫn chương trình số hoá, xây dựng công dân số…
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đánh giá, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tương đồng nhiều điểm chung khi triển khai Đề án 06; do đó, cần thiết có sự chia sẻ kinh nghiệm của từng địa phương, đơn vị theo lộ trình ưu tiên công việc khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm lại với nhau.
“Trong đó, TP Hồ Chí Minh quan tâm đến việc thu phí không dừng đỗ xe; thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, liệu có thể gây thất thoát cho người dùng… TP Hồ Chí Minh mong muốn các đơn vị được kết nối với các đơn vị của Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm thành công, để cùng nhau đi nhanh hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chia sẻ.