Hà Nội vẫn còn 13.220ha lúa mùa bị ngập nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi Cục trưởng, Chi Cục thủy lợi (Sở NN&PTNT), tính đến 17h ngày 10/8 trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn 13.220ha diện tích lúa mùa bị ngập nước, trong đó ngập trắng 1.382ha, sâu nước 11.838ha.

Theo đó, diện tích lúa mùa bị ngập tại các quận, huyện, thị xã như sau: Thanh Oai 3.969ha, Ứng Hòa 2.665ha, Phú Xuyên 1.365ha, Thường Tín 1.294ha, Mê Linh 536ha, Mỹ Đức 634ha, Đông Anh 594ha, Chương Mỹ 500ha, Sóc Sơn 337ha, Hoài Đức 310ha, Hà Đông 208ha, Gia Lâm 171ha, Từ Liêm 141ha, Sơn Tây 62ha, Phúc Thọ 105ha, Quốc Oai 99ha, Thạch Thất 92ha, Đan Phượng 53ha, Ba Vì 46ha, Thanh Trì 40ha. Hiện các doanh nghiệp thủy lợi vận hành 208 trạm bơm với 939 máy bơm, tổng lưu lượng 2.267.250m3/h để tiêu úng cho diện tích lúa mùa bị ngập trắng và ngập sâu nước.

 
Hiện trên địa bàn Hà Nội có 969 trạm bơm đang bơm tiêu chống úng cho lúa mùa.
Hiện trên địa bàn Hà Nội có 939 máy bơm để tiêu úng cho lúa mùa.
 
Để đảm bảo việc tiêu úng diện tích lúa mùa bị ngập úng, Chi Cục thủy lợi đề nghị các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các diện tích còn ngập úng để tổ chức vận hành công trình tiêu nước hợp lý, hạn chế tối đa bơm nước ra các trục tiêu đang ở mức báo động để tránh gây tràn, mất an toàn bờ các sông, trục tiêu như sông Nhuệ, sông Cầu Ngà, kênh Long Tửu…

Ngoài ra, do mực nước các sông Nhuệ và sông đáy đang ở mức cao, do đó Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ cần phối hợp chặt chẽ với Công ty Thủy lợi Hà Nội, Công ty Thủy lợi Sông Đáy và các huyện dọc theo tuyến sông Nhuệ, sông Đáy, tổ chức tuần tra, canh gác để phát hiện kịp thời, xử lý ngay các sự cố xảy ra trên hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy.

Bên cạnh đó, các huyện, doanh nghiệp quản lý công trình, hồ chứa cần thường xuyên tuần tra canh gác; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý sự cố ngay từ khi mới phát sinh đảm bảo an toàn cho các công trình và hồ chứa. Đồng thời, tiếp tục tập trung khắc phục và theo dõi các sự cố của công trình đã xảy ra trong thời gian qua. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị thường trực 24/24h để xử lý; báo cáo cụ thể các trạm bơm vận hành bơm tiêu ra các trục tiêu đang ở mức báo động và báo cáo ngay các sự cố phát sinh về Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Thành phố; Sở NN&PTNT Hà Nội.