Hà Nội: Vi phạm trật tự xây dựng đã giảm đáng kể

Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Xây dựng Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan sớm hoàn chỉnh Đề án kiện toàn về cơ cấu, tổ chức bộ máy của lực lượng thanh tra xây dựng khi chuyển các Đội Thanh tra xây dựng địa bàn về UBND cấp huyện quản lý.

Chiều 21/11, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.
 Ông Trần Việt Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
Theo đó, tính đến hết tháng 10/2017 cơ bản các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được lực lượng thanh tra xây dựng thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý và chuyển đến UBND các cấp để xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Số công trình phát hiện và tiến hành kiểm tra 17.422 công trình. Số công trình có vi phạm 1.916 công trình, trong đó số công trình đã được xử lý dứt điểm chiếm 82% (1.571 công trình). So sánh cùng kỳ năm 2016, số công trình vi phạm giảm 533 trường hợp.

Về trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng "siêu mỏng, siêu méo" còn tồn tại cũ tính đến tháng 11/2016 là 137 trường hợp. Đây là các trường hợp nhà, đất còn lại nằm ngoài chỉ giới GPMB thực hiện xây dựng 8 tuyến đường trục chính của Thành phố từ nhiều năm trước (như Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai... hình thành trước 15/3/2005 ngày Quyết định 39/TTg có hiệu lực) không được đền bù và nhiều trường hợp hộ dân đã sinh sống, kinh doanh ổn định.

Đến nay, qua kiểm tra, báo cáo của các quận, huyện đã giải quyết tiếp được 5/137 trường hợp, còn 132 trường hợp đang tiếp tục xử lý.

Các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện khi GPMB thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn Thành phố, số lượng các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng theo kết quả tái kiểm tra tại các tuyến mới mở trên địa bàn các quận Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên là 203 trường hợp. Hiện đã giải quyết 147/203 trường hợp (72%).

Sau khi UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 về việc giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng kể từ ngày 1/9/2016, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nói chung và tình hình xử lý các vụ việc vi phạm nổi cộm đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Trần Việt Trung - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, kể từ khi chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về cho quận huyện quản lý, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đã giảm đi rõ rệt.

Trong quá trình triển khai cũng có nhiều ý kiến cho rằng mô hình này sẽ dẫn đến tình trạng chính quyền sở tại sẽ bao che các trường hợp vi phạm tại địa phương, tuy vậy Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định với sự giám sát các cấp, các ngành, của báo chí và người dân tình trạng bao che của chính quyền địa phương trong thời gian qua đã giảm rất nhiều và sẽ được giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả nêu trên Sở Xây dựng cũng thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại như: Tại một số quận ven đô và huyện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công.

Việc xử lý vi phạm của các địa phương còn lúng túng, thậm trí còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, chưa kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được làm thường xuyên; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn thiếu; một số khu vực có quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch triển khai, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thực hiện đền bù GPMB.

Ngoài ra còn có vướng mắc về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý khi vi phạm. Theo điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ về người thụ lý đầu tiên và Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm, tuy vậy các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ nên cấp thực thi đôi khi lúng túng trong việc áp dụng nguyên tắc trên.

Điều này ảnh hưởng đáng kể đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố, tạo kẽ hở cho đối tượng vi phạm lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm, đôi khi làm phát sinh tình trạng chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm của những người có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng, thời gian qua đơn vị vẫn đang quản lý về biên chế đối với lực lượng thanh tra xây dựng tại các quận, huyện nên trách nhiệm của chính quyền địa phương còn chưa cao, do đó cấp huyện, cấp xã kho huy động được lực lượng liên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị.

Hơn nữa, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lực lượng thanh tra xây dựng cấp huyện còn nhiều hạn chế, các vi phạm về trật tự xây dựng chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời.

Trong thời gian tới đây, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện sớm hoàn chỉnh Đề án kiện toàn về cơ cấu, tổ chức bộ máy của lực lượng thanh tra xây dựng khi chuyển các Đội Thanh tra xây dựng địa bàn về UBND cấp huyện quản lý và xây dựng quy chế phối hợp tránh tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ, rõ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, cấp chính quyền trong xử lý vi phạm.

Đồng thời sẽ kiến nghị kỷ luật, cho ra khỏi ngành đối với những cá nhân để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận và có những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, dung túng, bao che các trường hợp vi phạm.