Hà Nội: Vừa ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa “gỡ khó” cho sản xuất, kinh doanh

Thủy Tiên - Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thảo luận tại Hội nghị lần thứ 23 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội Khóa XVI, ngày 22/4, đa số các ý kiến đã kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo duy trì, phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Phải nỗ lực rất nhiều để đạt được chỉ tiêu đã đề ra
Báo cáo của Ban Cán sự UBND thành phố cho thấy, trong quý I, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đều thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%). Mức tăng trưởng 3,72% là nhờ duy trì tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng trong tháng 1 và 2, thời điểm chưa chịu tác động của Covid-19. Thu NSNN trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%).
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên thảo luận. 
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, thành phố dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%. Kịch bản thứ nhất, kết thúc giãn cách toàn xã hội vào 22/4 hoặc 3/5 năm nay, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.
Kịch bản thứ hai là dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế trong quý 2 nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
Kịch bản thứ ba là dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong. Quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Từ dự báo các tình huống đó, thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thảo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đột xuất trong giai đoạn dịch Covid-19.
Thảo luận tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Quý I năm 2020, các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh tế của thành phố đều sụt giảm, nhưng vẫn giữ được phát triển 3,72%.
 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm thì 9 tháng cuối năm phải tăng trưởng ở mức 8,6%. Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, đây là chỉ tiêu rất cao và cần rất nhiều nỗ lực mới có thể hoàn thành. Và nếu không đạt mức tăng trưởng trong năm 2020, thì tính chung giai đoạn 5 năm (2016-2020), thành phố cũng không đạt kế hoạch đề ra là từ 7,3 đến 7,8%. Đây là 1 trong 13 chỉ tiêu mà Đảng bộ thành phố trước đó đã đặt ra.
Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị, các sở, ngành, quận huyện tiếp tục tập trung vào nhóm 136 nhiệm vụ của UBND thành phố. Trong đó, đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục tái đàn lợn, đẩy mạnh nuôi trồng cây ngắn ngày, hạn chế nhập khẩu; tiếp tục phát triển lĩnh vực thông tin truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán online; ngoài ra cần quan tâm đến một số lĩnh vực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế... Ngoài ra, đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đấu thầu đối với những dự án đã được phê duyệt; thúc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đối với các dự án thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với 27 xã chưa đạt nông thôn mới, Sở KH&ĐT kiến nghị, cho phép giao nhiệm vụ này cho Sở NN&PTNT làm viêc với các địa phương để rà duyệt lại toàn bộ tiêu chí của các xã này để tham mưu đề xuất để giải quyết dứt điểm.
Các đơn hàng xuất khẩu đều bị đình trệ
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho hay, hiện nay các doanh nghiệp của thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu, nhất là từ các nước Mỹ, khối EU. Nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đang trên đà phục hồi và ổn định.
 Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng. 
Về xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, ông Lê Hồng Thăng cho biết, một số thị trường đang bị phong tỏa do các nước chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Các đơn hàng sản xuất trong quý 2 và trước đó cũng bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát, doanh thu các đơn vị thương mại Hà Nội giảm 6-10%, duy chỉ có lương thực, thực phẩm tăng 2-4%. Giám đốc Sở Công Thương cũng nhận định, mảng dịch vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quý II. Tuy nhiên, giải pháp tăng xuất khẩu trong quý II cũng rất khó; các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU chưa có dấu hiệu nào khả quan.
Vừa qua, Sở Công Thương làm việc với các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Lê Hồng Thăng cho biết, 19 cụm công nghiệp đã có quyết định triển khai xây dựng, nhưng duy nhất một cụm được giải phóng mặt bằng. “Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng xong, nhưng trong khu công nghiệp lại có đơn vị tách ra, nên lại làm thủ tục từ đầu. Với các ban, ngành địa phương việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đều chậm 1-9 tháng”- Giám đốc Sở Công Thương nói.
Cần có kịch bản riêng để “giải cứu” ngành du lịch
Hà Nội cũng như cả nước đang bước vào những ngày cuối cùng của đợt cách ly xã hội và xác định thời gian tới sẽ “sống chung” với dịch bệnh. Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, việc dự báo, xác định kịch bản để khôi phục, phát triển kinh tế xã hội rất quan trọng.
 Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn. 
Hiện, thành phố đưa ra 3 kịch bản ứng phó với 3 cấp độ khác nhau của dịch bệnh. Tuy nhiên, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng chỉ cần 1 kịch bản là đủ.
Theo ông Dương Đức Tuấn, kịch bản ứng phó có thể là Kịch bản 1 mà thành phố đã đưa ra, nhưng được chia làm 2 giai đoạn. Một là, đến hết tháng 4, nửa đầu tháng 5, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 và chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh. Tháng 5, 6 thành phố sẽ khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, đây là giai đoạn trung gian.
Giai đoạn tiếp theo là quý 3 và quý 4 thì tập trung nguồn lực, phát triển mạnh trở lại bù đắp thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, cần thiết phải xây dựng ngay bộ tiêu chí đồng bộ toàn diện ngành và lĩnh vực 2 cấp độ ứng với 2 giai đoạn để phòng, chống dịch. Nếu có tình huống phát sinh xấu hơn thì linh hoạt điều chỉnh kịch bản chính.
“Chúng ta phải tận dụng khoảng thời gian vàng để khôi phục phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta đề xuất 3 kịch bản nhưng dịch bệnh khó lường, cần phải đặt sớm các mục tiêu rõ ràng” - Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nói. Đồng thời kiến nghị, thành phố cân nhắc việc cắt giảm chi thường xuyên để khắc phục khó khăn trong giai đoạn này; nên cắt giảm 20% chi thường xuyên thay vì 10% như quyết định trước đó.
Về doanh thu du lịch tại quận, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, dự kiến do ảnh hưởng của dịch có thể giảm tới 60% trong 6 tháng đầu năm. Quận kỳ vọng quý 3, 4 lượng khách mới tăng dần trở lại. Quận kiến nghị thành phố lập kịch bản riêng cho lĩnh vực du lịch, để “giải cứu” ngành này. Trong đó, bao gồm phát triển hoạt động văn hóa, xã hội, khai thác du lịch nội địa, phân loại khách du lịch nước ngoài.
 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng. 
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019.
Trong thời gian học sinh nghỉ do dịch Covid-19, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương quan tâm nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn để các em học sinh có điệu kiện học tập tốt nhất sau khi trở lại học tập. Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hà Nội hiện địa phương đang đi đầu trong cả nước trong việc tổ chức dạy học trực tuyến trên truyền hình được phụ huynh, học sinh của TP đánh giá cao. Hiện Sở đang tổ chức ôn thi cuối cấp và dạy học trực tuyến online trên Internet và đã đi vào nề nếp.