Hà Nội: Xác định 6 quan điểm chỉ đạo, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống tham nhũng giai đoạn 2021-2025

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025” do Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, đã nêu 6 quan điểm chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Thứ nhất, công tác phòng chống tham nhũng cần có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính trị về kết quả thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ hai, xác định công tác PCTN, THTK, CLP là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô.
 Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày Dự thảo Chương trình số 10-CTr/TU tại hội nghị
Thứ ba, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài và phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa ở tất cả các lĩnh vực; chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Thứ tư, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Thứ năm, kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng các quy định về phòng ngừa để “không thể tham nhũng", quy định về răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng’’; tuyên truyền, giáo dục để “không muốn tham nhũng", quy định về bảo đảm để “không cần tham nhũng".
Thứ sáu, các giải pháp phòng chống tham nhũng phải phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời xây dựng được văn hoá công vụ, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Dự thảo Chương trình số 10-CTr/TU xác định 3 nhóm chỉ tiêu (về phòng ngừa, phát hiện, xử lý và THTK, CLP). Trong đó, 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải được kiến nghị chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; 90% các quyết định, kết luận có hiệu lực pháp luật phải được thực hiện xong theo quy định. Phấn đấu 100% các tố giác, tin báo về tội phạm được xem xét giải quyết đúng quy định; 100% các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phải được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Công tác thi hành án dân sự đạt tỷ lệ hàng năm trên 80% về việc và trên 60% tiền, tài sản phải được thu hồi quyết theo quy định. Phấn đấu giai đoạn 2021- 2025, tỷ trọng chi thường xuyên ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách; hàng năm 100% vốn đầu tư được phân bổ kịp thời, tuân thủ đúng nguyên tắc, đúng quy định...
Dự thảo Chương trình số 10-CTr/TU cũng đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, như nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trổng”, “kẽ hở” để "không thể tham nhũng”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí...