Hà Nội: Xây dựng Bộ Tiêu chí hỗ trợ các không gian sáng tạo phát triển

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/10, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) phối hợp với tổ chức Hội thảo “Tham vấn về Mạng lưới không gian văn hoá sáng tạo Hà Nội”.

Tại Hội thảo, Sở VH&TT Hà Nội đã chia sẻ Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hoá sáng tạo Hà Nội - hướng đến thành lập mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội.

 

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn.

 

Rà soát không gian sáng tạo

Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách tạo “khung” để phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng Thành phố sáng tạo; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hoá các cam kết với UNESCO.

Để hiện thực hoá cam kết, TP Hà Nội mong muốn hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo. Hà Nội đã tiến hành rà soát các không gian sáng tạo trên địa bàn TP. Theo kết quả rà soát, Hà Nội hiện nay có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu DN tư nhân hoặc cá nhân. 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hoá di sản/ sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 DN sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.

Trên cơ sở rà soát các không gian sáng tạo, Hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đại diện không gian, người thực hành sáng tạo về “Tiêu chí đánh giá Không gian văn hóa sáng tạo”. Từ đó, các DN, đơn vị, tổ chức tham gia thành lập, vận hành không gian văn hoá sáng tạo có thể góp ý vào Bộ tiêu chí ngày từ đầu, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Hỗ trợ không gian sáng tạo

Tại Hội thảo, đại diện một số DN không gian sáng tạo như “Mạng lưới vì một Hà Nội đáng sống”, “Complex 01”, “Tired City”, “VIC”… bày tỏ mong muốn khi thành lập bộ tiêu chí để tham gia mạng lưới không gian văn hoá sáng tạo của TP sẽ tạo thuận lợi, có định hướng về phát triển sáng tạo văn hoá, mang lại lợi ích cho DN khi kinh doanh.

Không gian sáng tạo Complex 01. Ảnh: Lại Tấn.
Không gian sáng tạo Complex 01. Ảnh: Lại Tấn.

Cụ thể, bộ tiêu chí chia ra 2 nhóm không gian sáng tạo gồm “Không gian sáng tạo bền vững” tồn tại được 3 năm trở lên và “Không gian sáng tạo tích cực” số năm hoạt động từ 5 năm trở lên. Góp ý tại Hội thảo, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Giàn nhạc giao hưởng Mặt trời Vũ Cao Cường chia sẻ: Giàn nhạc Giao hưởng Mặt trời thành lập từ năm 2017 và hoạt động đến năm 2019 phải tạm dừng do dịch Covid-19. Đến năm 2023, Giàn nhạc mới hoạt động thường xuyên. Do vậy, việc đưa ra các số liệu không gian sáng tạo văn hoá phải có từ 3 – 5 năm hoạt động là khó đáp ứng.

Bên cạnh đó, đại diện một số không gian sáng tạo như Bảo tàng Hồn Đất Việt, Heritage Space… mong muốn bộ tiêu chí có thêm các nội dung về việc cơ quan Nhà nước hỗ trợ thêm về việc kết nối giữa các không gian sáng tạo  theo thế mạnh từng đơn vị về truyền thông, mặt bằng...; có sự hỗ trợ, hướng dẫn về pháp lý.

Mặt khác, TS Nguyễn Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Phát triển CNVH và nghệ thuật đương đại (VICAS) góp ý, bộ tiêu chí nên hạn chế các thủ tục. Cụ thể, theo bộ tiêu chí, để tham gia mạng lưới của TP, các không gian sáng tạo cần phải đảm bảo PCCC, kê khai thuế, có tư cách pháp nhân…  "Theo tôi bộ tiêu chí cần giảm thiểu thủ tục hành chính, hoạt động trên tinh thần tự nguyện” -TS Nguyễn Thu Hà cho hay.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng đề nghị các bên liên quan hỗ trợ TP bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí. "Sở VH&TT xây dựng Bộ Tiêu chí với mong muốn giữ gìn, phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hoá" - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Bộ tiêu chí, khi tham gia Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, các thành viên sẽ được cấp chứng nhận thành viên, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức TP sáng tạo Hà Nội.

Hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép theo quy định đối với những hoạt động của đơn vị tham gia trong mạng lưới, khuyến khích hỗ trợ tổ chức các hoạt động có sáng tạo hình thành nên những tác phẩm mới có giá trị; hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép quảng cáo theo quy định.

Tham gia các hoạt động của Mạng lưới sáng tạo thành phố Hà Nội, kết nối hoạt động của các thành viên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực và quốc tế; hàng năm hỗ trợ một phần kinh phí (theo dạng hỗ trợ dự án) để triển khai các hoạt động sáng tạo tiêu biểu, có giá trị sáng tạo cao, có ảnh hưởng đến cộng đồng… trên cơ sở đề xuất của các không gian sáng tạo và được hội đồng chuyên gia đánh giá.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã; các đơn vị liên quan bố trí địa điểm và hỗ trợ điều kiện để tổ chức các hoạt động sáng tạo văn hóa tại các không gian tuyến phố đi bộ, các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa phù hợp…trên cơ sở đề xuất của các không gian văn hóa sáng tạo.

Được đề xuất, giới thiệu tham gia các hoạt động của trong hệ thống mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO của các nước thành viên.

Hàng năm Sở VH&TT tổ chức đánh giá, khen thưởng cho đơn vị, tổ chức và cá nhân đã có nhiều hoạt động và đóng góp trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, trường hợp có thành tích xuất sắc sẽ đề xuất khen thưởng cấp TP.