Hà Nội xử phạt an toàn thực phẩm hơn 14 tỷ đồng trong 1 năm

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/9, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND TP về khắc phục các hạn chế, yếu kém, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP. Đồng thời, triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP năm 2018 - 2020.

Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội kiểm tra một bếp ăn tập thể. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo ATTP TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại kế hoạch 119 của TP đã chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém trong công tác đảm bảo ATTP trên bàn. Thực hiện kế hoạch này, Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNN và UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực vào cuộc trong 1 năm qua với gần 154.000 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở, DN sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện hàng ngàn cơ sở vi phạm, xử lý hành chính hơn 14 tỷ đồng, buộc tiêu hủy vi phạm hàng hóa trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Cụ thể, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra được 961 lượt cơ sở, phát hiện 162 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Sở NN&PTNT đã thực hiện kiểm tra 414 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện 120 cơ sở vi phạm phạt tiền hơn 1 tỷ đồng. Sở Công Thương đã kiểm tra và xử lý 1.113 vụ, phạt hành chính hơn 5,3 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3,3 tỷ đồng. UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đội quản lý thị trường tăng cường thanh, kiểm tra hơn 152.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 26.000 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 3.200 cơ sở với số tiền phạt hơn 6,4 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, việc triển khai quản lý ATTP trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện ký cam kết ATTP đối với các cở sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tuyến xã quản lý gặp nhiều khó khăn do đa số chưa đáp ứng được các tiêu chí ATTP về môi trường, nguồn gốc thực phẩm, trang thiệt bị dụng cụ, yếu tố con người… Đặc biệt, trong khi một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt thì không ít người tiêu dùng lại dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm.
“Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo ATTP, việc tăng sử dụng hóa chất trong sản xuất thực phẩm, khó khăn trong kiểm soát ATTP với thực phẩm nhập khẩu…là nhức vấn đề gây “đau đầu” cho những nhà quản lý hiện nay” - ông Trần Ngọc Tụ chia sẻ.