Hà Nội:Nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, không để dịch bùng phát

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh, TP. Đặc biệt, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội hiện là điểm “nóng” về sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, hiện nay, Hà Nội cùng các địa phương, đơn vị và Nhân dân đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, quyết tâm không để dịch bùng phát.

Xử lý triệt để, không để dịch bùng phát

Theo ghi nhận tình hình dịch tuần qua, quận Bắc Từ Liêm có 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc giảm 2 trường hợp so với tuần trước. Các phường ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần  gồm: Phú Diễn (9 ca), Tây Tựu (8 ca), Phúc Diễn (7 ca), Cổ Nhuế 1 (7 ca). Trong tuần, ghi nhận 10 ổ dịch tại các phường: Phú Diễn (3 ổ); Cổ Nhuế 1 (2 ổ); Liên Mạc, Tây Tựu, Phúc Diễn, Xuân Đỉnh và Xuân Tảo (mỗi phường 1 ổ).

Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận Bắc Từ Liêm Đinh Thị Thanh cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 13/8, quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 291 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Các phường ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Minh Khai (98 ca), Phúc Diễn (50 ca), Phú Diễn (30 ca), Cổ Nhuế 1 (20 ca), Tây Tựu (20 ca), Cổ Nhuế 2 (17 ca).

Phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

TTYT đã ghi nhận 40 ổ dịch, tập trung tại các phường: Phú Diễn và Phúc Diễn (mỗi phường 8 ổ); Minh Khai (7 ổ), Tây Tựu và Cổ Nhuế 1 (mỗi phường 4 ổ). Hiện, toàn quận còn 13 ổ dịch đang hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, trước tình hình dịch, bệnh sốt xuất huyết Dengue, quận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm không để dịch bùng phát mạnh. Chung tay với nỗ lực của quận cũng như TP Hà Nội, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh.

Từ tình hình diễn biến phức tạp của dịch, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo phát động triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Đặc biệt, tập trung nguồn lực để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát.

TTYT quận Bắc Từ Liêm đề nghị UBND 13 phường chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường công tác tổng vệ sinh môi trường, thu gom, lật úp phế liệu, phế thải. Tăng cường hoạt động của cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát diệt bọ gậy. Đồng thời, tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện nghi mắc bệnh, hạn chế tối đa ca nặng và tử vong.

Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.
Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.

Tuần qua, huyện Hoài Đức ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết. Lãnh đạo huyện yêu cầu các địa phương đẩy mạnh biện pháp phòng, chống dịch, bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp thiết thực. Trong đó, sử dụng hình thức thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình tại từng thôn, xóm, khu dân cư… nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong vấn đề vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Tại quận Long Biên, tính đến ngày 11/8, quận có 58 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 14/14 phường. Số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây, chỉ riêng trong tuần trước, quận Long Biên đã ghi nhận 18 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Bồ Đề với 6 ca mắc.

Qua kiểm tra thực tế khu vực ổ dịch và một số địa điểm nguy cơ tại 4 phường trong hai ngày 12/8 và 14/8, Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện các ổ bọ gậy vẫn chưa được xử lý, chỉ số Breteau vẫn còn ở mức cao (20%).

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương đã yêu cầu UBND các phường tăng cường biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tập trung trọng tâm vào công tác tuyên truyền và vệ sinh môi trường, xử lý ổ bọ gậy.

Nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Lãnh đạo huyện Hoài Đức tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Riêng trong tuần (từ ngày 4 đến 11/8), Hà Nội ghi nhận 762 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã (tăng 121 ca so với tuần trước đó). Trong đó, Thanh Trì là địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 160 ca, tiếp đến là Thạch Thất (54 ca), Hoàng Mai (51 ca), Bắc Từ Liêm (47 ca), Hà Đông (45 ca).

Cũng trong tuần qua, TP Hà Nội ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, Hoài Đức có 10 ổ dịch; Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Đống Đa (6 ổ dịch); Thanh Trì (4 ổ dịch). Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, TP Hà Nội có 255 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 114 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.

Để triển khai hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, CDC Hà Nội đề nghị TTYT các quận, huyện, thị xã đáp ứng kịp thời, đầy đủ hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, máy phun, bảo đảm sẵn sàng cho công tác xử lý ổ dịch.

Các cơ quan chức năng giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định và kịp thời, hạn chế thấp nhất để ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài. Tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, những khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Huyện Hoài Đức đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Huyện Hoài Đức đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã cử chuyên gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, bệnh tại Hà Nội. Cục đề nghị, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tập trung thành lập ngay đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết.

Đồng thời, phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Bên cạnh đó, Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hướng dẫn địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, bảo đảm phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng.

Cùng với đó, tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kĩ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng thuộc khu vực phụ trách.

Các địa phương tập trung nguồn lực để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết không để dịch bùng phát.
Các địa phương tập trung nguồn lực để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết không để dịch bùng phát.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định, năm nay, sốt xuất huyết xuất hiện sớm hơn tại Hà Nội và số ca mắc dự báo tiếp tục gia tăng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Đặc biệt năm nay, xảy ra hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến sốt xuất huyết sẽ gia tăng. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Thời gian qua, các đơn vị tích cực phối hợp với ngành y tế, chính quyền trong những đợt phun hóa chất phòng và chống dịch. Tuy nhiên, để quá trình phun hóa chất diệt muỗi diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, tốt nhất cần phun thuốc diệt muỗi vào cuối mùa mưa và đầu mùa mưa theo định kỳ. Chuyên gia y tế lưu ý, việc phun hóa chất phòng và chống dịch cần đúng cách, khi đó phương pháp này mới có thể đạt hiệu quả cao.

 

Để đảm bảo đạt hiệu quả cao khi áp dụng công tác phun thuốc diễn muỗi, các hộ gia đình tích cực phối hợp với ngành y tế và chính quyền trong những đợt phun hóa chất phòng và chống dịch. Ngoài ra, người dân cần thực hiện công tác diệt bọ gậy, lăng quăng, vệ sinh môi trường cùng một lúc để những ổ muỗi tại khu dân cư được tiêu diệt triệt để.

Theo chuyên gia y tế, các hộ gia đình cần đóng kín cửa ra vào, cửa sổ và lỗ thông gió vào thời điểm phun thuốc. Bên cạnh đó, bạn cần trước khi phun thuốc bạn cần thu dọn thực phẩm và dụng cụ thực phẩm để tránh bị nhiễm hóa chất. Nên ra khỏi nhà sau khi phun thuốc, sau khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ thì có thể quay trở lại.