Hà Tĩnh: Định giá tài sản cố định hiện hữu của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/4, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát văn bản số 2071/UBND-NL, gửi các sở ban ngành và địa phương về việc khẩn trương thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản cố định hiện hữu của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà.

Cụ thể tại công văn này, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự khẩn trương thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản cố định hiện hữu của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà đảm bảo đúng quy định hiện hành, hoàn thành đúng tiến độ, thời hạn; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an, thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản cố định hiện hữu của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà.
Giao giám đốc các Sở Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và chủ tịch UBND các xã Cẩm Quan, Kỳ Tây (địa bàn thực hiện dự án của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà), thường xuyên quan tâm, ưu tiên cao nhất cho thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản cố định hiện hữu của công ty này theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự; trực tiếp tham gia và cử các đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi có yêu cầu để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định.
Trước đó, dự án chăn nuôi bò của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với diện tích đất khảo sát khoảng 6.119,28ha, quy mô đàn bò dự kiến 150.000 con bò/năm, vốn đầu tư trên 4.233 tỷ đồng. Năm 2016 được điều chỉnh với tổng diện tích đất thực hiện dự án 2.163,5ha (gồm: Kỳ Anh 584,9ha và Cẩm Xuyên 1.587,6ha), tổng đàn bò 254.200 con/năm, tổng vốn đầu tư 4.582 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư của dự án là phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhà đầu tư, người lao động và người dân trên địa bàn.
Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn hai huyện này sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Ngoài ra, hàng trăm héc ta diện tích đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (Kỳ Anh) cũng được thu hồi để triển khai dự án.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, dự án đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng, bò giống được nhập về sau khi nuôi được một thười gian đã phải bán vội vì không phát triển, dẫn đến thua lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.